Đại biểu HĐND TP.HCM: Dự án đội vốn hàng trăm tỉ nhưng không có giải pháp khắc phục

(PLO)- Đại biểu HĐND TP.HCM nêu thực trạng có nhiều dự án đội vốn vì giải phóng mặt bằng chậm, có dự án tăng vốn hàng trăm tỉ nhưng TP.HCM chưa có giải pháp khắc phục.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-7, các đại biểu HĐND TP.HCM đã thảo luận tại tổ và đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội của TP.

Dự án tăng vốn do không làm tốt khâu giải phóng mặt bằng

Đại biểu Huỳnh Thanh Hùng cho rằng tỉ lệ giải ngân đầu tư công sáu tháng đầu năm chỉ đạt 14% là quá thấp. Nguyên nhân, nhiều công trình cấp bách trọng điểm chậm tiến độ do thiếu cát san lấp. Dù vậy trong phần giải pháp sáu tháng cuối năm, UBND TP.HCM không hề đề cập những việc cần làm để giải quyết tình trạng này.

“TP nói là phải tăng cường thực hiện 3 ca 4 kíp nhưng không nói nguồn cát ở đâu ra để làm, trong khi cát san lấp đang thiếu hụt” - ông Hùng nêu và nói thêm có nhiều dự án vì giải phóng mặt bằng chậm nên một số dự án đội vốn ở khâu này.

Đại biểu HĐND TP.HCM: Dự án đội vốn hàng trăm tỉ nhưng không có giải pháp khắc phục
Đại biểu Huỳnh Thanh Hùng nêu ý kiến về việc tăng vốn các dự án. Ảnh: THUẬN VĂN

UBND TP cũng đã trình HĐND TP xem xét điều chỉnh tăng vốn đối với bốn dự án kéo dài. Theo tính toán của đại biểu, trong bốn dự án này có đến ba dự án tăng vốn hàng trăm tỉ, như dự án nâng cấp tỉnh lộ 8 từ kênh N31A đến ngã tư Tân Quy tăng 200 tỉ đồng (từ 368 tỉ lên 568 tỉ); dự án nâng cấp đường Đỗ Xuân Hợp tăng 300 tỉ đồng (từ 528 tỉ lên đến 868 tỉ); dự án mở rộng đường D4 ở quận Gò Vấp tăng 500 tỉ đồng (từ 111 tỉ đồng lên 657 tỉ đồng).

Vì vậy, đại biểu Hùng cho rằng TP phải giải quyết được các vướng mắc lâu nay ở khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, không làm tăng vốn các dự án.

Trả lời ý kiến nêu trên, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết năm 2024, TP.HCM được giao giải ngân hơn 79.000 tỉ đồng, trong đó vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 22.000 tỉ. Bà thừa nhận giải ngân đầu tư công là hạn chế lớn của TP.HCM trong sáu tháng qua.

Đại biểu HĐND TP.HCM: Dự án tăng vốn hàng trăm tỉ nhưng không có giải pháp khắc phục-dai-bieu-hdnd-tphcm-du-an-tang-von-tram-ti-dong (2).jpg
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, thừa nhận giải ngân đầu tư công là hạn chế lớn của TP.HCM trong sáu tháng qua. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, nguyên nhân gây vướng mắc hiện nay là Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn (ngày 1-8-2024 thay vì 1-1-2025). Vì vậy, TP phải sắp xếp lại các quy định, kế hoạch thực hiện; các chính sách cho người dân cũng có sự thay đổi ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Hiện nay, các tổ công tác của TP.HCM thường xuyên họp để tháo gỡ sớm các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Về vấn đề thiếu cát cho các công trình, dự án trọng điểm, bà Mai nói Chủ tịch UBND TP.HCM đã báo cáo cụ thể với Thủ tướng tại phiên họp vào cuối tuần qua. Theo đó, cốt lõi hiện nay của việc thiếu cát do thiếu số lượng và giá cao.

Với dự án Vành đai 3, cần 6 triệu m3 cát trong năm nay, trong đó TP.HCM cần 4,5 triệu m3 cát nhưng nguồn cát không đáp ứng đủ.

Để tháo gỡ, TP.HCM đang tích cực làm việc với các tỉnh thành để tìm kiếm nguồn cát. UBND TP.HCM cũng đã báo cáo Chính phủ và mong sớm có giải pháp khắc phục.

Làm sao để người dân thu nhập thấp an tâm mua chung cư?

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo nhắc lại lời của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong phiên khai mạc sáng nay là phải giải quyết các vấn đề về nhà ở xã hội, cũng là chăm lo cho người dân có thu nhập thấp.

Đại biểu cũng đặt câu hỏi về việc làm thế nào để quản lý chất lượng công trình của các chung cư dành cho người có thu nhập thấp. “Người dân với chừng đó tài sản, dốc hết để mua một căn chung cư nhưng còn nhiều điều khiến họ chưa thể yên tâm mà luôn nơm nớp lo lắng” - đại biểu Thảo nói.

Đại biểu Thảo đơn cử vừa qua, hơn 200 hộ dân tại một chung cư chưa được cấp sổ hồng lại còn bị ngân hàng siết nợ, do bị chủ đầu tư lấy làm tài sản thế chấp ngân hàng vay tiền.

Hay bản thân đại biểu qua quá trình giám sát cơ sở cũng đã tiếp nhận thông tin có 117 hộ đang sống tại chung cư ở Bình Tân đã hoàn thành thủ tục nhưng 10 năm rồi vẫn chưa được cấp sổ hồng.

“Cần có nhiều giải pháp để người dân an tâm khi quyết định mua chung cư” - đại biểu Thảo nêu rõ.

Ngành y tế gặp khó trong chuyển đổi số

Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, nêu ý kiến việc chuyển đổi số của ngành y tế tại TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà, trong đề án chuyển đổi số của ngành y tế thì nguồn ngân sách chủ yếu lấy từ quỹ phát triển sự nghiệp của các bệnh viện. Tuy nhiên sau đại dịch, nhiều bệnh viện bị thâm hụt nặng, rất khó có một nguồn ngân sách để đầu tư về hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số.

Vì vậy, cần bổ sung nguồn ngân sách cho các bệnh viện để số hóa hồ sơ bệnh án của người dân để có thể kết nối được với sổ khám sức khỏe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm