TP.HCM: Phải giải ngân đầu tư công 1 tháng bằng 6 tháng cộng lại

(PLO)- Sáu tháng đầu năm 2024, TP.HCM giải ngân đầu tư công 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao và mục tiêu trong các tháng còn lại, mỗi tháng phải giải ngân khoảng 13%, bằng sáu tháng giải ngân vừa qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-7, UBND TP.HCM họp tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 6-2024.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM, sáu tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,46%.

giai-ngan-dau-tu-cong-2.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng thường trực UBND TP chủ trì phiên họp. Ảnh: TTBC

Cần giải ngân 13% mỗi tháng

Đánh giá về tình hình kinh tế TP, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận nếu như kinh tế quý I tăng khởi sắc thì quý II lại tăng chậm lại, kéo theo kinh tế sáu tháng chỉ đạt 6,46%.

Ông Hoàng cho biết kinh tế quý I tăng cao hơn cả nước nhưng quý II lại thấp hơn cả nước và thấp nhất trong các TP Trung ương và khu vực.

Qua đó, cho thấy tình hình sản xuất của TP.HCM trong quý II đang có xu hướng chậm lại, thể hiện ở chỉ số ngành công nghiệp có tăng so với năm trước nhưng so với cả nước vẫn thấp hơn.

TP.HCM: Phải giải ngân đầu tư công 1 tháng bằng 6 tháng cộng lại-giai-ngan-dau-tu-cong-3.jpg
Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nói về công tác giải ngân đầu tư công. Ảnh: TTBC

“Thông thường chỉ số sản xuất công nghiệp của TP luôn luôn cao hơn cả nước, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến - chế tạo là ngành trụ cột của TP lại có mức tăng thấp hơn mức tăng trưởng chung, lao động lao động tham gia chế biến - chế tạo cũng giảm” – ông Hoàng thông tin.

Ông cho biết ngành xây dựng được kỳ vọng rất nhiều, quý I tăng 7,9% nhưng quý II chỉ tăng 4,1%. Điều này có phần ảnh hưởng từ giải ngân đầu tư công.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, sáu tháng đầu năm, TP chỉ giải ngân 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao, trong khi mục tiêu của TP là giải ngân ít 22%. Trước đó quý I giải ngân 7% nhưng quý II giải ngân chỉ đạt 6,8%, quý II năm 2023 lại giải ngân gấp 9 lần so với quý I.

Ông Hoàng cho rằng việc quý II giải ngân thấp hơn làm ảnh hưởng đến tiến độ đặt ra của TP. “Với tiến độ hiện nay, bình quân mỗi tháng TP phải giải ngân 13%, bình quân một tháng phải bằng sáu tháng giải ngân, thì liệu có giải ngân nổi không, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng” – ông Hoàng nêu và cho biết vừa qua cả nước giải ngân rất tốt, gấp đôi TP.HCM. Từ đó ông đề nghị cần có cơ chế cụ thể cho vấn đề này.

Về giải ngân đầu tư công, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho rằng là việc rất đáng lo bởi với tình hình hiện nay có thể không đạt được như năm 2023.

Ông Lâm cho biết các dự án chuẩn bị đầu tư do gắn với quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng nên gặp nhiều vướng mắc dù TP đã họp rất nhiều. Ông cho rằng tuần tới TP cần tập trung để triển khai.

Phải rướn để tăng trưởng kinh tế đạt 7,5%

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhiệm vụ trong sáu tháng cuối năm là phải tập trung hết sức để tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn cản trở nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

giai-ngan-dau-tu-cong-1.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị sở ngành tập trung đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%. Ảnh: TTBC

“Sáu tháng đầu năm, TP tăng trưởng bình quân 6,46% nhưng quý III, chúng ta phải phải vượt lên trên 7% và đến quý IV phải vượt lên nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%. Cả hệ thống chính quyền đến các sở, ngành cần tập trung cho việc này” - ông Mãi nói.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, đối với chủ đề năm 2024 về chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM đã triển khai những công việc mang tính chất nền tảng, giờ là lúc chọn trọng tâm, đột phá để đi sâu thực hiện.

“Sau một năm triển khai Nghị quyết 98, chúng ta đã làm được nhiều việc lớn nhưng cần xem mong muốn chúng ta đã làm tới nơi chưa? Ví dụ như việc phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện đã đủ chưa? Và các quận, huyện, TP Thủ Đức có tiếp nhận việc phân cấp đó chưa?” – ông nói.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhắc lại kịch bản TP đặt ra cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 là 7,5-8%.

Các năm qua, TP thường xuyên tăng tốc vào quý III và quý IV, do đó khả năng đến cuối năm 2024, kinh tế TP có thể đạt 6,8-7,5%.

giai-ngan-dau-tu-cong-4.jpg
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: TTBC

“Nếu chúng ta vừa nỗ lực, vừa rướn, có giải pháp trọng tâm thì có thể đạt mục tiêu trên” – TS Vũ nói và nhìn nhận TP vẫn có khả năng đạt được những gì TP mong muốn.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết thời điểm này năm ngoái, Nghị quyết 98/2023 được thông qua là ngọn hải đăng tạo động lực cho kinh tế - xã hội TP phát triển theo.

Năm nay, “ngọn hải đăng” này chính là hai quy hoạch TP, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng dù quy hoạch đang còn phải trình các cấp nhưng gần như đã rõ hết nội dung, TP cần dựa trên quy hoạch này để tháo gỡ các dự án, công trình, tạo nên động lực, khí thế mới cho TP, “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Liên quan đến Nghị quyết 98, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết cơ chế phân cấp, phân quyền TP.HCM cùng với các vấn đề mà TP đã ban hành nghị quyết, kế hoạch… cơ bản làm khá tốt. Tuy nhiên, nhóm chính sách tạo động lực, huy động nhà đầu tư chiến lược, PPP…, thì TP chỉ mới ra văn bản, chưa đi vào cuộc sống. Do đó, TP cần tập trung vào công trình, dự án trọng điểm.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM, sáu tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,46%; tính đến 21-6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công TP đã giải ngân là 8.194 tỉ đồng, đạt 10,3% tổng kế hoạch vốn được giao, ước đến hết tháng 6 đạt 15,7%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm