Đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Cuối buổi thảo luận chiều 31-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được dành cho 10 phút để giải trình về những băn khoăn của đại biểu (ĐB) về kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với đại biểu Hoàng Quang Hàm về chu kỳ tăng trưởng GDP.

Mở đầu, Bộ trưởng Dũng khẳng định số liệu và phương pháp thống kê về tăng trưởng là đáng tin cậy, có cơ sở khoa học và khách quan, được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, được thực hiện từ nhiều năm nay, được các tổ chức lớn như WB, IMF công nhận.

Bộ trưởng Dũng đồng tình với ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) về tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt, tăng giảm giữa các quý trong một năm. Tốc độ tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu về kết quả và chịu sự tác động của yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế.

“Theo thông lệ nhiều năm và gần như trở thành quy luật, quý I bị ảnh hưởng của yếu tố chu kỳ là dịp kết thúc Tết âm lịch, ảnh hưởng của Tết, lễ hội, kết thúc năm ngân sách, nhiều nhiệm vụ phải kết thúc trước khi bước sang một năm mới, ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ” - Bộ trưởng Dũng nói.

Dẫn ra các đánh giá của UNDP, WB, Bộ trưởng Dũng nói chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là tích cực.

“Tốc độ tăng trưởng GDP được duy trì ở mức độ trung bình cao và tương đối ổn định trong cả giai đoạn 2011-2017; tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, phát huy được các yếu tố đầu ra (giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng trong khu công nghiệp, dịch vụ), giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển dần sang khu vực sản xuất chế tạo, chế biến, dịch vụ; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia có nhiều tiến bộ, được quốc tế đánh giá cao…” - Bộ trưởng Dũng phân tích.

Tuy vậy, ĐB Hoàng Quang Hàm đã bấm nút tranh luận lại với Bộ trưởng Dũng ngay sau khi Bộ trưởng vừa dứt lời.

“Tôi thống nhất là Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân tôi nghĩ Chính phủ và Bộ trưởng cần quan tâm” - ĐB Hàm mở đầu ba phút tranh luận.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm tranh luận lại và chỉ ra hai vấn đề của tăng trưởng.

ĐB Hàm đặt ngay câu hỏi: “Việc đầu tiên là chúng ta có tăng trưởng bằng mọi giá không? Giải pháp đưa ra các quý cuối năm là giải pháp ngắn hạn”.

Theo ĐB Hàm, giai đoạn 2015-2016 chúng ta bán thêm dầu, khai thác thêm tài nguyên khoáng sản bán để bảo đảm tăng trưởng. Vì vậy, sang quý sau chúng ta bị hụt hơi, không tăng trưởng được nữa vì đã hết tài nguyên, hết dầu. Chúng ta lại tăng trưởng từ đầu nên giảm sút.

“Quý IV-2017 hiện nay chúng ta vẫn trông vào các giải pháp ngắn hạn như đẩy mức tăng trưởng tín dụng từ khoảng 12% lên 21% hoặc chúng ta đang đẩy tạm đầu tư công. Những giải pháp này đều có hệ lụy của nó. Nếu chúng ta đẩy tín dụng nhưng không xác định tín dụng đi về đâu, chúng ta không xác định kiểm soát lạm phát lâu dài thì sẽ rất ảnh hưởng” - ĐB Hàm phân tích và cho rằng tăng trưởng là tốt nhưng phải bền vững và có các giải pháp căn cơ, lâu dài chứ không phải giải pháp ngắn hạn.

Mặt khác, ĐB Hàm cho rằng mô hình tăng trưởng không bền vững, dễ bị tổn thương, không xuất phát từ nội lực của nền kinh tế. “Samsung có vấn đề một cái là khiến nền kinh tế bị suy giảm ngay. Ta chưa thoát khỏi tư duy tăng trưởng dựa từ vốn và lệ thuộc vào khai thác tài nguyên” - ông Hàm kết luận. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm