Chia sẻ với PLO về tình hình khủng hoảng Nga-Ukraine, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam Nataliya Zhynkina cho rằng: Phía Nga đã gây ra cuộc chiến lần này và người dân Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ hòa bình, độc lập cho đất nước mình.
. Phóng viên: Tôi rất tiếc khi nghe Ukraine bị rơi vào hoàn cảnh chiến tranh như hiện nay. Xin bà chia sẻ về tình hình gia đình, người thân của bà ở trong nước đến lúc này?
+ Bà Nataliya Zhynkina: Cảm ơn anh đã quan tâm đến Nhân dân Ukraine. Người thân, bạn bè tôi ở một số thành phố lớn, nhất là Thủ đô Kiev đều là những nơi đang bị quân đội Nga tấn công. Họ tấn công bằng tên lửa, bằng máy bay. Giống như nhiều người dân Ukraine khác, người thân và bạn bè của tôi đã tìm được nơi trú ẩn. Mặt khác, gia đình tôi thì ở vùng phía Đông, Lugansk, nhưng khá xa khu vực bị tấn công, nên vẫn an toàn.
. Còn tình hình thương vong, nhất là những người dân thường, diễn ra cho đến lúc này là như thế nào, thưa bà?
+ Phía Nga nói rằng họ chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, thực tế đã có những quả tên lửa trúng vào các tòa nhà dân sự, đã có thương vong dân thường. Tôi chưa có con số cụ thể, nhưng thông tin trên mạng xã hội khu dân sự ở phố Kasiora, trung tâm Kiev đã bị bắn phá.
Hiện tại, ngay ở Ukraine, liên lạc đang bị gián đoạn. Tuy nhiên, chính xác là phía Nga đang tấn công chúng tôi trên toàn tuyến biên giới từ Đông sang Tây, và cả phía Nam, từ biển Đen, biển Azov vào nữa. Ở khu vực nhà máy điện nguyên tử Chornobyl, họ đã đưa đặc nhiệm và cả xe tăng vào chiếm đóng. Lực lượng phòng vệ ở đó đã hi sinh. Đây là vấn đề nguy hiểm. Hải quân Nga đã tấn công đảo Rắn, một hòn đảo rất nhỏ phía Nam Ukraine, trên biển Đen.
Bà Nataliya Zhynkina thông tin đến PLO: "Phía Nga nói rằng họ chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, thực tế đã có những quả tên lửa trúng vào các tòa nhà dân sự." Ảnh: TUYẾN PHAN
. Thông tin mà phía Nga đưa ra là họ công nhận khu vực ly khai phía Đông và đưa quân đội vào theo yêu cầu hỗ trợ của khu vực này. Vậy tình hình khu vực phía Đông này hiện thế nào?
+ Chúng tôi không tin vào những lý do mà phía Nga đưa ra. Các bạn đã thấy rõ là họ không chỉ gây sức ép phía Đông mà còn tấn công trên toàn tuyến biên giới, bắn tên lửa, tấn công bằng máy bay vào các thành phố, địa điểm ở khắp bên trong Ukraine. Nga cũng đưa đặc nhiệm, lính dù vào tận thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác. Mấy hôm trước, phía Nga đưa lực lượng rất mạnh vào với mục đích khống chế, bắt giữ các quan chức Chính phủ của chúng tôi, theo kiểu tấn công vào cơ quan đầu não. Nhưng chúng tôi đã nắm bắt được mưu đồ này nên họ đã thất bại.
Tôi thông báo cho bạn biết là so với Kiev và các thành phố chiến lược khác thì khu vực phía Đông hiện khá ổn định. Nga lấy lý do ủng hộ phong trào độc lập ở tỉnh Donetsk, Lugansk để đưa quân can thiệp, nhưng mục đích chính của họ là khống chế toàn Ukraine. Họ tấn công phía Đông, phía Nam để chiếm các khu vực quan trọng giáp biển Đen, tấn công từ phía Bắc xuống để chiếm thủ đô.
Họ vu khống chúng tôi gây hấn ở phía Đông, nhưng thực tế không đúng. Chúng tôi vẫn luôn kiên trì giải pháp ngoại giao để ổn định khu vực này. Phía Đông được 150.000 quân của nước Nga bao vây, thì dại gì chúng tôi lại gây chiến để tạo cớ cho họ đánh mình. Thực tế phía Nga khiêu khích, nhưng chúng tôi không mắc bẫy. Tôi cho rằng đây là sai lầm chính trị của Nga.
Chiến tranh diễn ra tại Kiev. Ảnh: Sergei Supinsky/Agence France-Presse — Getty Images
Mảnh máy bay bị bắn rơi ở Kiev. Ảnh: Lynsey Addario for The New York Times
. Căng thẳng Nga-Ukraine đã kéo dài nhiều năm qua, liệu phía Ukraine đã có biện pháp phòng vệ cho người dân?
+ Chúng tôi đã có sự chuẩn bị. Ở Kiev và các thành phố đều đã chuẩn bị khu vực trú ẩn cho người dân. Có những công trình từ hồi chiến tranh vệ quốc, chống phát xít Đức đã được khôi phục lại. Rồi dưới tàu điện ngầm, tầng hầm các tòa nhà, tất cả đều sẵn sàng. Có báo động là người dân trú ẩn ngay. Các bạn coi các video thì thấy đấy, cộng đồng người Việt Nam ở các nơi đó cũng vậy, họ xuống các tầng hầm để trú ẩn.
. Còn các hình thức đáp trả bằng quân sự của Ukraine hiện ra sao?
+ Chúng tôi có chuẩn bị chứ, và đã hi vọng là sự ủng hộ, kêu gọi của các nước, cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình thì phía Nga sẽ chùn bước. Nhưng như bạn thấy, Nga vẫn ra lệnh tấn công. Quân đội, lực lượng phòng vệ của chúng tôi đang kiên cường chiến đấu. Nhưng phía Nga rất mạnh. Hiện tôi biết là chiến sự ở thành phố Kherson ở phía Nam đang rất căng thẳng, có sự giằng co.
Tất cả các địa phương đều tổ chức lực lượng phòng vệ, tổ chức cho người dân tham gia bảo vệ Tổ quốc bên cạnh lực lượng vũ trang chuyên nghiệp. Trên Tiktok và các mạng xã hội khác, bạn có thể thấy khi được hỏi chiến tranh thế này thì đi đâu, những cô gái Ukraine đã trả lời lời không đi đâu cả, và khoe giấy đăng ký vào lực lượng phòng vệ, kèm theo là giấy phép sử dụng súng.
Đại diện phía Ukraine ở Việt Nam cho biết "phía Nga đang tấn công chúng tôi trên toàn tuyến biên giới từ Đông sang Tây, và cả phía Nam, từ biển Đen, biển Azov vào nữa". Ảnh: TUYẾN PHAN.
Lính Ukraine tại Kiev. Ảnh: Sergei Supinsky/Agence France-Presse — Getty Images
. Tạm gác chuyện chiến sự, tôi mong bà chia sẻ một chút về quá trình hình thành nhà nước Ukraine sau khi Liên Xô tan rã đứng ở góc độ luật pháp quốc tế? Liệu về mặt công pháp quốc tế, giữa Ukraine và CHLB Nga còn gì chưa rõ ràng, vướng mắc, tranh chấp để rồi dẫn tới mâu thuẫn gay gắ như hiện nay?
+ Tôi muốn được nói rõ: Nguyên nhân của những gì đang diễn ra không nằm ở Ukraine mà là nước Nga. Khoảng 10 năm trước ở Diễn đàn An ninh toàn cầu Munich (Đức), Nga đã không giấu tham vọng lập lại trật tự thời Liên Xô, và điều đó không thể thiếu Ukraine. Lý do của Tổng thống Nga đó là NATO bao vây khắp nơi, nhưng tôi cho đó là một sự ngụy biện. Nước Nga rộng lớn kéo từ Á sang Âu như thế, lại có lực lượng quân sự với vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác khổng lồ như vậy thì ai dại mà gây sự. Nhưng các quốc gia châu Âu cần có phòng thủ tập thể. NATO là một hiệp ước phòng thủ như vậy.
. Bà vẫn chưa trả lời tôi về khía cạnh pháp lý đối với quan hệ hai nước?
+ Về công pháp quốc tế, không có sai sót nhỏ nào trong quá trình Ukraine độc lập từ năm 1991. Năm ấy, Nga và Ukraine là các chủ thể độc lập cùng đứng ra công bố độc lập và cả hai công nhận lẫn nhau. Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được nước Nga ghi nhận ít nhất hai lần trong hiệp ước song phương, kể cả vùng Crimea phía Nam và hai tỉnh phía Đông.
Ukraine là thành viên Liên hợp quốc, được công nhận đầy đủ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Các hiệp định mà Ukraine ký kết song phương, đa phương với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế đều không có vấn đề gì để tranh cãi.
Lưu ý là trong Hiệp định Budapest mà Ukraine, vì hòa bình và an ninh thế giới, đã tự nguyện tham gia để tự giải giáp vũ khí hạt nhân mà mình sở hữu sau khi Liên Xô tan rã, tất cả các quốc gia bao gồm Nga – nước tiếp quản số vũ khí khủng khiếp ấy – đã cam kết rõ ràng sẽ đảm bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia của đất nước tôi. Nhưng những gì mà họ đã tiến hành từ năm 2014 đến nay cho thấy họ đã phá vỡ cam kết của mình.
Xin nhấn mạnh, chưa có quốc gia nào tự từ bỏ vũ khí hạt nhân cả, nhưng Ukraine thời điểm 1994 ấy, đã làm vậy. Cho nên, những gì nước Nga làm sau đó, và nhất là bây giờ đang tạo tiền lệ nguy hiểm cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, đe dọa hòa bình trên toàn thế giới.
Theo bà Nataliya Zhynkina, về công pháp quốc tế, không có sai sót nhỏ nào trong quá trình Ukraine độc lập từ năm 1991. Ảnh: TUYẾN PHAN
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp về việc Nga tấn công Ukraine. Ảnh: John Minchillo/Associated Press
. Rõ ràng Ukraine có lịch sử phức tạp với Nga. Một bộ phận người Ukraine nói tiếng Nga, và một bộ phận dân chúng cũng có quan điểm gần gũi với Nga, trong khi một bộ phận khác chọn phía EU. Nhìn nhận thế nào về yếu tố này trong nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay?
+ Đó là lý lẽ đơn phương của Nga mà thôi. Chúng tôi là một quốc gia đa sắc tộc, có người Ukraine, người Nga, rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Acmenia, Do Thái… Tất cả đều sinh sống yên bình, đoàn kết. Về cơ bản, chúng tôi tất thảy không để ý đến chuyện nguồn gốc hay sắc tộc gì. Ngay về ngôn ngữ, trước 2014, chúng tôi vẫn nói tiếng Nga bình thường như bao ngôn ngữ khác. Nhưng sau khi Nga cưỡng đoạt bán đảo Crimea thì nguyện vọng của người dân là phải coi tiếng Ukraine là quốc ngữ, nên chúng tôi xây dựng một luật về vấn đề này.
Tuy nhiên, cho dù thế nào thì hiện tại cũng như tương lai, tiếng Nga vẫn được sử dụng bình thường, vẫn có trường dạy bằng tiếng Nga. Như tôi đây, ngoài tiếng Ukraina thì vẫn sử dụng cả tiếng Nga, và tiếng Anh.
. Bà có nghĩ rằng Ukraine suốt thời gian qua đã “mắc kẹt” giữa một bên là EU và một bên là Nga, điều đó dẫn tới những khó khăn như hiện nay? Liệu “bài toán chọn lựa” này tới đây sẽ như thế nào?
+ Có lẽ, những người Ukraine đã, đang yêu mến nước Nga hoặc có thái độ trung dung thì nay sẽ không còn tình cảm ấy nữa. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy nước Nga không chỉ thất tín, gây hấn mà còn đang dùng vũ lực để tấn công chúng tôi. Chắc chắn, đa số dân chúng đã hoàn toàn đổ vỡ và thất vọng, không còn muốn quay lại với nước Nga nữa. Thậm chí, đã có tâm lý tiêu cực, thù địch với nước Nga.
Năm 2014, người Ukraine không sẵn sàng nổ súng vào binh lính Nga, chính vì vậy mà Crimea bị họ chiếm đóng. Nhưng bây giờ khác rồi, sự thù nghịch với nước Nga càng ngày càng rõ, nên kể cả dân thân Nga cũng thay đổi thái độ rồi. Đấy là hậu quả mà chính nước Nga gây ra.
. Ukraine công khai mong muốn gia nhập NATO và điều ấy rõ ràng Nga không muốn, bởi chính Nga có vẻ cũng lo lắng nếu Kraine tham gia liên minh quân sự rất hung mạnh vốn đối đầu với Nga. Liệu rằng việc Ukraine xin gia nhập NATO có góp phần kích ngòi khủng hoảng lần này?
+ Sau 2014, bị Nga chiếm đóng Crimea thì nhân dân chúng tôi mới thực sự có nguyện vọng tìm tới những hợp tác phòng thủ như NATO. Chứ trước đó thì người dân không nghĩ tới, và Chính phủ cũng không có định hướng đối ngoại nào như vậy. NATO cũng là lựa chọn của nhiều nước Đông Âu và kể cả một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Họ đều trải qua những giai đoạn lịch sử không vui với nước Nga nên ngay sau 1991 đã tìm đến NATO và thành công. Còn Ukraine đâu có tưởng tượng tới một ngày sẽ có chiến tranh với nước Nga!
"Sau 2014, bị Nga chiếm đóng Crimea thì nhân dân chúng tôi mới thực sự có nguyện vọng tìm tới những hợp tác phòng thủ như NATO"- Bà Nataliya Zhynkina. Ảnh: TUYẾN PHAN
. EU và khối NATO đã và đang lên tiếng ủng hộ Ukraine. Nhưng họ có hành động thực chất nào không?
+ Nhiều nước đang trực tiếp giúp đỡ chúng tôi vũ khí, khí tài. Rồi họ công bố áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga và các nước liên quan. Sẽ còn nhiều biện pháp mới, hỗ trợ mới nữa. Liên hợp quốc sẽ lên tiếng bảo vệ Ukraine. Không chỉ các quốc gia mà cả các tổ chức quốc tế, các quỹ, ngân hàng lớn, các tập đoàn đa quốc gia cũng đang và sẽ ủng hộ chúng tôi, hoặc trừng phạt phía bên kia. Ông Putin sẽ thấy các biện pháp cấm vận triệt để hơn nữa.
Chúng tôi hiểu, chỉ có Nhân dân Ukraine phải đổ máu trên chiến trường. Nhưng thế giới văn minh, loài người tiến bộ sẽ ủng hộ chúng tôi chống lại xâm lược.
. Nước Nga có tiềm lực quân sự mạnh. Bà dự báo tương lai cuộc chiến thế nào?
+ Chúng tôi không nghĩ nước Nga đủ sức chiếm đóng Ukraine. Bởi vì mình chiến đấu trên mảnh đất của mình, còn Nga là bên xâm lược. Ukraine có 40 triệu dân, còn lực lượng quân đội Nga chỉ có 150.000 thôi. Kể cả Chính phủ Ukraine có sụp đổ thì người dân cũng không bao giờ để cho Nga ở lại.
. Xin cám ơn bà.
(*) Bài phỏng vấn trên được thực hiện vào chiều ngày 25-2-2021. Ngay sau đó, PLO cũng đã liên hệ cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại Hà Nội để có thể tiếp nhận thông tin từ phía Nga. PLO sẽ thông tin đến bạn đọc khi nhận được phản hồi sớm nhất.