Với mức lỗ và nợ hàng trăm tỉ đồng, “ông lớn” của ngành gạo Việt Nam là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đang lên kế hoạch cắt lỗ và thay đổi bộ mặt của mình với nông dân. Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2, cho biết đang lên phương án cải tổ, kiểm soát chặt hoạt động của những doanh nghiệp (DN) “con” để thoát khỏi tình trạng vừa lỗ vừa nợ như hiện nay.
Chuyển từ “con buôn” sang liên kết với nông dân
Ông Năng cho biết năm 2013 các công ty thành viên của Vinafood 2 lỗ 210,2 tỉ đồng, nợ khó đòi là 623,2 tỉ đồng. Quý I-2014 DN tiếp tục lỗ 20 tỉ đồng. Trước những khó khăn đó, DN buộc phải rà soát và tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu tổng công ty, định ra cơ chế kiểm tra và thu hồi công nợ. trong đó, hướng tới việc khởi kiện để thu hồi nợ và có giải pháp xử lý những cá nhân liên quan.
Tổng công ty cũng thành lập ban chỉ đạo phụ trách việc cắt giảm lỗ phần kinh doanh thủy sản và lành mạnh hóa tài chính ngành kinh doanh lương thực do chính tổng giám đốc làm trưởng ban.
Liên kết sản xuất lớn là một giải pháp để thoát khỏi bế tắc ngành gạo xuất khẩu. Ảnh: MĐ
Ông Năng tiết lộ: Để thoát lỗ, tổng công ty đã định ra lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay. Theo đó sẽ chuyển đổi thành công ty TNHH những đơn vị hạch toán phụ thuộc tổng công ty nhằm nâng cao tính chủ động và trách nhiệm.
“Nhiều tờ báo đã gọi Vinafood 2 là “con buôn” cũng đúng vì gần như DN 100% là làm xuất khẩu, mỗi năm chỉ thu mua vài chục tấn gạo trực tiếp từ nông dân. Nhưng tới đây DN sẽ chủ động liên kết với nông dân và tham gia vào chuỗi sản xuất” - ông Năng nói.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho biết không chỉ Vinafood 2 mà nhiều DN ngành gạo khác cũng đang gặp khó khăn (thị trường xuất khẩu đang gặp khó, số nợ gia tăng vì lãi suất ngân hàng cao). Vì vậy, những DN yếu bắt buộc phải chết, còn những DN lớn hơn hoặc DN con của những những “ông lớn” như Vinafood 2 thì còn giải pháp bơm vốn khôi phục lại kinh doanh.
Dùng công nghệ thúc đẩy cánh đồng lớn
Ông Lâm Anh Tuấn cho biết thêm dự báo ngành gạo thế giới sẽ lâm vào suy thoái khi Thái Lan xả hàng tồn kho. Hiện DN nước ta không xuất khẩu được. Thị trường châu Phi thì hết cửa cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ. Còn Philippines lại ký giá thấp quá nên DN trả lại hợp đồng. Chỉ có duy nhất thị trường Trung Quốc tăng mua vào nhưng chỉ nhập tiểu ngạch. Xuất khẩu chính ngạch năm nay mới chỉ đạt hơn 2 triệu tấn gạo.
Theo ông Tuấn, ngành gạo muốn thoát khỏi bế tắc thì chỉ còn cách liên kết sản xuất lớn. Cách làm cánh đồng mẫu lớn là hướng đi tích cực nhưng chưa đủ tạo ra giải pháp tốt vừa giúp nông dân vừa đảm bảo đầu ra. Hơn nữa, DN đầu tư rất cực, chịu lỗ vài năm may ra có lời, nếu rủi thì lỗ nặng.
Đồng ý với ông Tuấn, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho DN và nông dân trong chuỗi liên kết xây dựng cánh đồng lớn. Vì DN làm mấy năm nay đều không thấy hiệu quả là mấy, nông dân cũng không lợi hơn được bao nhiêu vì chi phí vẫn bỏ ra rất cao, đầu ra bấp bênh.
Theo ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chỉ cần đẩy mạnh liên kết sản xuất quy mô lớn với gạo chất lượng cao thì gạo Việt không lo đầu ra. Vì hiện nay, ngành gạo Việt Nam vẫn có tính ổn định cao hơn so với Thái Lan; còn nguồn cung Ấn Độ, Pakistan hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết và vẫn phải lo an ninh lương thực trong nước.
Ngoài ra, DN cần linh động kết hợp với Bộ Công Thương tiến hành khai thác những thị trường mới, mời họ sang hợp tác thành lập chuỗi liên kết lâu dài.
QUANG HUY
Trung Quốc mua hết gạo ngon Hiện nay, Trung Quốc vẫn thu mua gạo mạnh qua đường tiểu ngạch với giá cao hơn giá nội địa 500-600 đồng/kg. Đặc biệt, các thương nhân Trung Quốc chỉ mua gạo được thu hoạch từ vụ đông xuân vì có chất lượng tốt trong khi giá gạo vụ hè thu chỉ bán được với giá 6.500 đồng/kg. Điều này khiến DN nước ta không mua được gạo vụ đông xuân khiến dự trữ gạo chất lượng để xuất khẩu không còn nhiều. Tuy nhiên, DN phải chấp nhận điều này, nó giúp cho nông dân bán được giá tốt, tiêu thụ được hàng hóa và góp phần giữ giá gạo nội địa. Nên “chơi” theo kiểu bầu Đức Cần phát triển những cách làm quy mô lớn như kiểu làm của bầu Đức - Hoàng Anh Gia Lai. Diện tích lớn, công nghệ cao thì chi phí giảm, giá thành hạ, nông dân có thu nhập mà sản phẩm cạnh tranh tốt. Hiện nay cũng đã có một DN đầu tư sản xuất lúa với diện tích lớn hơn 1.000 ha ở Kiên Giang với công nghệ kỹ thuật cao. Ông LÂM ANH TUẤN, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát |