Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất hồ sơ, đề nghị VKSND Tối cao truy tố bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - Trustbank, nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng năm đồng phạm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
CQĐT xác định bà Phấn đã cùng Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ); Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang) và ba người cháu bà Phấn gồm: Huỳnh Thị Xuân Dung; Lâm Hứa Quỳnh Trinh; Phạm Hồng Hảo gây thiệt hại 1.338 tỉ đồng
Theo kết luận điều tra, bị can Phấn lợi dụng là cổ đông lớn của ngân hàng Đại Tín, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng mọi hoạt động đầu tư, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng 1.338 tỉ đồng.
Kết luận điều tra thể hiện tài sản thực của ngân hàng là 20.846 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỉ đồng và lỗ lũy kế 6.061 tỉ đồng. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB sau này.
CQĐT chờ bà Phấn sức khỏe tốt hơn sẽ cho đối chất hai bên rồi kết luận xử lý...
Quá trình điều tra, công an cho biết năm 2013 đến nay, bà Phấn có nhiều đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Luận (chủ tịch), ông Phạm Đăng Quan (tổng giám đốc công ty Phương Trang) và nhóm Phương Trang. Bị can Phấn tố cáo ông Quan, ông Luận và công ty Phương Trang chiếm đoạt của bà và nhóm Phú Mỹ tổng số tiền 748,2 tỉ đồng theo 6 giấy nhận tiền từ Bùi Thị Kim Loan.
Về việc 6 tờ giấy nhận tiền này, công ty Phương Trang khẳng định các cá nhân Phạm Đăng Quan, Trịnh Thanh Cao, Nguyễn Thị Tuyết Hạnh có nhận tiền và ký các giấy biên nhận trên. Tuy nhiên, 6 giấy nhận tiền trên là thủ đoạn ngụy tạo bằng cách mỗi khi bà Phấn đại diện cho ngân hàng Đại Tín giải ngân cho công ty Phương Trang đều ép nhân viên công ty Phương Trang phải ký thêm các giấy biên nhận này với lý do: “Nhận trước tạm một phần tín dụng, do ngân hàng Đại Tín chưa đủ tiền, tiền về chưa kịp vài bữa nữa qua lấy đủ”.
Công ty Phương Trang khẳng định nếu đây là tiền bà Phấn cho cá nhân vay thì Phương Trang bị nhận nợ 2 lần cho 1 khoản tiền vừa nhận nợ ngân hàng vừa nhận nợ bà Phấn. Đây là thủ đoạn ngụy tạo chứng cứ để che đậy hành vi chiếm đoạt tiền của bà Phấn.
Đến nay CQĐT Bộ Công An thấy có cơ sở đánh giá trình bày của công ty Phương đối với nội dung trên là có căn cứ.
Từ vụ án Hứa Thị Phấn giai đoạn 1 đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa thể hỏi cung bà Phấn vì lý do sức khỏe nên chưa thể đối chất với công ty Phương Trang về việc này. Theo đó, CQĐT tách phần này để tiếp tục điều tra về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, chờ bà Phấn sức khỏe tốt hơn sẽ cho đối chất hai bên rồi kết luận xử lý...
Trong giai đoạn 1 của vụ án, hai cấp toà sơ và phúc cũng tập trung dành nhiều thời gian để làm rõ mối quan hệ giữa Hứa Thị Phấn và nhóm Phương Trang. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ cần lời khai đối chất của Hứa Thị Phấn.
Bị cáo Loan vừa sinh con xong hầu toà vào tháng 5-2018
Trong vụ án này, bị can Bùi Thị Kim Loan (kế toán công ty Phú Mỹ) có vai trò giúp sức tích cực cho bà Phấn trong mua bán 2 căn nhà 422B Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3 và căn nhà 409 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, Loan bị tuyên phạt 28 năm tù (hiện được hoãn thi hành án vì đang nuôi con nhỏ). Đồng thời, chồng là bị can Nguyễn Kim Thanh hiện đang đi chữa bệnh bắt buộc tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.
Theo CQĐT, giai đoạn 2 của vụ án, bị can Loan đã nhận thức rõ hành vi của mình nên đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo. Hiện nay bị can đang nuôi ba con nhỏ nên cần xem xét, đánh giá khi lượng hình phạt cho bị can Loan. Các bị can còn lại, thành khẩn khai báo hợp tác với cơ quan điều tra, có hoàn cảnh khó khăn nên cơ quan điều tra cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị can khi lượng hình.