Đại gia Trầm Bê không biết phản biện sao với VKS

Ngày 31-7, phiên xử đại án Phạm Công Danh (53 tuổi), Trầm Bê (59 tuổi) cùng 44 đồng phạm cố ý làm trái gây hậu quả thiệt hại 6.000 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Trầm Bê, luật sư cho biết ông Bê giữ nguyên lời khai và đề nghị xem xét hình phạt. Cụ thể ông Bê phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Và hiện với tình hình bệnh tật không cần thiết phải tách ly bị cáo ra khỏi xã hội.

Đại gia Trầm Bê không biết phản biện sao với VKS ảnh 1
Bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và Phan Thành Mai tại tòa

Tự bào chữa, ông Bê mong HĐXX, VKS xem xét lại đề nghị mức án 4-5 năm rất nặng nề cho bị cáo. Nếu như có sai là do bị cáo hiểu biết, nghĩ đơn giản. Bị cáo thực hiện sai hoàn toàn không có cố ý. Nếu biết sai thì bị cáo không để sai. Bị cáo đã làm kinh tế 38 năm chưa hề bị cơ quan pháp luật nào điều tra. Bị cáo hoàn toàn khai báo trung thành, không để cơ quan điều tra gặp khó khăn nào. Đồng thời bị cáo Trầm Bê cho rằng mình không làm sai, đối với cho vay ngân hàng được sự bảo lãnh bằng tiền thì đây là đúng.
Ông Bê nói giọng hơi yếu: Thực sự bị cáo không biết nói sao để phân tích, nếu VKS nói sai thì không dám phản biện. Nếu nói bị cáo cố ý làm sai thì hoàn toàn không có. Mong HĐXX xem xét về tội trạng của bị cáo, giảm nhẹ để hòa nhập với xã hội sớm.
Đồng thời Trầm Bê cũng đề nghị xem xét lại cáo buộc là trợ giúp đắc lực cho Phạm Công Danh. Ông Bê nhấn mạnh: "Một lần nữa khẳng định khi gặp ông Danh, bị cáo chỉ nghĩ do mình là người quyết định hạn mức cho vay và phải gặp khách hàng, làm theo quy trình luật pháp".

Đại gia Trầm Bê không biết phản biện sao với VKS ảnh 2
Bị cáo Trầm Bê

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư đề nghị HĐXX lưu tâm đánh giá bối cảnh, nguyên nhân phạm tội của bị cáo này. Luật sư cho rằng xuất phát từ hành vi phạm tội của bị án Hứa Thị Phấn, dẫn đến Danh cố gắng tối đa, đem cả tài sản, cơ nghiệp gia đình vào tham gia hoạt động tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín - TrustBank (VNCB), nhằm tăng khả năng thanh khoản của TrustBank bằng nhiều cách khác nhau.

Về khoản tiền 6.126 tỉ đồng được coi là hành vi cố ý làm trái… trong đại án VNCB giai đoạn 2, luật sư nêu Danh đã sử dụng vào mục đích tăng khả năng thanh khoản của ngân hàng, nâng vốn điều lệ cho VNCB cũng như phục vụ cho việc chi chăm sóc khách hàng. Quá trình gửi tiền và sử dụng tiền liên ngân hàng bảo đảm cho các khoản vay tại ba ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV đều trong thời điểm tổ giám sát NHNN thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát và được Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN báo cáo phương thức xử lý lên NHNN và yêu cầu phục hồi trả lại các khoản tiền cho VNCB.

Về đề nghị thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng từ ba ngân hàng, luật sư cho rằng bản thân bị cáo Phạm Công Danh không muốn làm xấu đi tình trạng của ba ngân hàng và những người có trách nhiệm liên quan nên luật sư đề nghị có biện pháp thu hồi các khoản tiền được coi là không hợp pháp.

Cụ thể trong số tiền 6.126 tỉ đồng bị coi là thiệt hại, thì có thể thu hồi hơn 3.986 tỉ đồng từ nhiều nguồn do Danh dùng từ các khoản vay này chi trả như: BIDV Sở Giao dịch II 1.176 tỉ đồng, BIDV Chi nhánh Hải Vân 457 tỉ đồng, bà Hứa Thị Phấn 600 tỉ đồng, Ccông ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hải Tiến 723 tỉ đồng, ông Trần Quí Thanh 515 tỉ đồng, bà Trần Ngọc Bích 43 tỉ đồng, lãi vay Sacombank được hưởng 33 tỉ đồng, lãi vay và lãi phạt BIDV được hưởng hơn 227 tỉ đồng…

Ngoài ra, luật sư cho rằng nếu thu hồi triệt để các tài sản thụ hưởng bất hợp pháp xuất phát từ nguyên nhân và hành vi phạm tội của các bị cáo, thì hậu quả của vụ án có thể khắc phục được thêm gần 7.000 tỉ đồng.

Về số tiền 4.500 tỉ đồng Danh lấy từ hành vi phạm tội, chuyển nâng vốn điều lệ cho VNCB nhưng không được NHNN đồng ý, nay bị cáo Danh đề nghị được trả lại hoặc cấn trừ khắc phục hậu quả cho vụ án. VKS cho rằng 4.500 tỉ đồng đã được hòa chung trong các dòng tiền do VNCB sử dụng, không thể bóc tách được thì luật sư là không đúng. Luật sư Hoài cho rằng không có việc 4.500 tỉ đồng được hòa chung vào tiền mặt, tiền gửi của VNCB tại NHNN và tại các tổ chức tín dụng khác để sử dụng vào việc chung của VNCB.

Tự bào chữa, bị cáo Danh cho rằng bản thân ông và các bị cáo không sử dụng số tiền trên vì mục đích cá nhân, mà tất cả vì lợi ích của VNCB. Cụ thể là dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng từ 3.000 tỉ đồng lên 7.400 tỉ đồng. Do vậy ông mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt và để bị cáo khắc phục hậu quả.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm