Trần Bắc Hà “thoát”, còn Trầm Bê phải hầu tòa tháng 7
Thông tin từ TAND TP.HCM, tòa đã lên lịch xét xử vụ đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng đồng phạm bị truy tố về tội cố ý làm trái từ phía VKS vào ngày 24-7. Dự kiến phiên xử kéo dài trong ba tuần, tới ngày 15-8.
Sau phiên xử kéo dài gần một tháng, đầu năm tòa đã trả hồ sơ bổ sung điều tra vụ án này với một loạt vấn đề cần làm rõ. Kết quả điều tra bổ sung vụ án, không có thêm bị cáo nào bị khởi tố, truy tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện.
Vụ án liên quan đến việc ông Danh có hành vi dùng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho 29 công ty do Danh đứng sau vay tiền tại Sacombank, TPBank, BIDV. Do 29 công ty vay tiền không hoạt động như phương án kinh doanh theo hợp đồng tín dụng nên ba ngân hàng đã thu nợ (gốc và lãi) bằng tiền bảo đảm của VNCB tại ba ngân hàng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỉ đồng.
Chính vì vậy ông Trầm Bê phải hầu tòa cùng với ông Danh với tư cách đồng phạm.
Trước đó, tòa trả hồ sơ yêu cầu vì bị cáo Trầm Bê cho rằng cùng hành vi vi phạm nhưng chỉ mình bị cáo bị truy tố. Bị cáo cho rằng mình làm đúng quy định, sai sót chỉ là vấn đề nghiệp vụ của cấp dưới. Bị cáo không biết mục đích vay tiền, Danh dùng tiền làm gì. Bị cáo không phục kết luận của VKS. Vì vậy tòa đề nghị VKS làm rõ, đảm bảo khách quan, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời tại phiên xử đó, các cơ quan tố tụng cũng cho rằng nếu không có hành vi trái pháp luật của những người có trách nhiệm tại bốn ngân hàng VNCB, Sacombank, BIDV và TPBank thì ông Danh không thể vay bằng hồ sơ khống. Do đó cần tiếp tục điều tra làm rõ xử lý với các cá nhân.
Ông Trầm Bê tại phiên xử hồi đầu năm.
Trong tài liệu bổ sung, VKSND Tối cao nêu Trầm Bê, Phan Huy Khang trực tiếp bàn bạc thống nhất cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng nhưng yêu cầu Danh dùng tiền của VNCB để bảo lãnh cho khoản vay, sau đó chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện việc cho vay. Khi cho vay, hai bị cáo biết rõ Danh là chủ tịch VNCB, là đối tượng mà theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng thì không được phép dùng tiền của VNCB để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho mình nhưng vẫn cố ý bỏ qua các quy định bắt buộc, tạo điều kiện để Danh vay tiền, gây thiệt hại cho VNCB. Vì thế ông Bê và ông Khang phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình đối với hậu quả thiệt hại đã xảy ra.
Nhưng đối với các cá nhân là lãnh đạo chủ chốt của TPBank, BIDV, theo VKSND Tối cao, quá trình điều tra xác định một số đối tượng có hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay nhưng chưa đủ căn cứ xác định hành vi đồng phạm với ông Danh về tội cố ý làm trái… Vì vậy VKSND Tối cao không khởi tố và đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ các đối tượng này tại phiên tòa, nếu có đủ cơ sở thì xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Trần Bắc Hà. Ảnh: Internet
Như liên quan tới ông Trần Bắc Hà (nguyên chủ tịch HĐQT, trưởng Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư tại hội sở chính của BIDV), điều tra bổ sung giữ nội dung cho rằng ông Hà đã có hành vi ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban Quản lý rủi ro, trên cơ sở các thành viên ban này đồng ý về chủ trương cho 12 công ty của ông Danh vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình bốn nhà (số tiền tối đa 4.700 tỉ đồng/12 công ty). Sau đó ủy quyền cho bốn chi nhánh Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện việc cho vay và thu nợ.
Ngoài ra ông Hà và các thành viên Phân ban Quản lý rủi ro BIDV đã đồng ý chủ trương nhưng không cho ông Danh vay và không biết 12 công ty này do ông Danh thành lập. BIDV đã thanh lý các hợp đồng nói trên và thu hồi vốn, lãi 4.700 tỉ đồng. Ông Danh sử dụng tiền vay của BIDV vào mục đích riêng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỉ đồng. Qua điều tra, chưa thấy tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Hà và các thành viên hưởng lợi từ việc cho 12 công ty của ông Danh vay.
Trong một diễn biến khác, thời gian qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát đi thông cáo về kỳ họp thứ 26 trong đó có kết luận về các vi phạm liên quan đến Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trong đó kết luận ông Hà (nguyên bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT BIDV) vi phạm rất nghiêm trọng, phải xem xét kỷ luật.
Về đề nghị thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng từ Sacombank, TPBank, BIDV để trả lại Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng VN - CB Bank (VNCB cũ), VKS Tối cao cho rằng quá trình tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm lần một đã làm rõ. Hành vi làm trái của Danh và đồng phạm chỉ hoàn thành khi ba ngân hàng thu nợ, siết nợ bằng tiền gửi, số tiền VNCB bị thiệt hại là tiền gửi tại ba ngân hàng. Mặt khác, tài liệu điều tra cũng xác định việc các ngân hàng cho vay có vi phạm và việc ông Danh sử dụng tiền vay là trái pháp luật nên việc thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng từ Sacombank, TPBank, BIDV như đề nghị của VKS là có căn cứ, đúng pháp luật…