Ngày 31-8, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên giải trình về Nghị quyết số 50 của HĐND.
Toàn cảnh phiên giải trình. Ảnh: VL |
Nghị quyết này đề cập về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân (đất nông nghiệp và đất ở) và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021.
Lập quy trình mất rất nhiều thời gian
Tại phiên giải trình, ông Võ Đại Huế, Trưởng ban Kinh tế - Ngân Sách HĐND tỉnh cho rằng theo quy định, kế hoạch sử dụng đất hằng năm đều phải hoàn thành trước ngày 31-12. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều ban hành chậm.
“Việc ban hành chậm ảnh hưởng quyền lợi của người dân, công tác quản lý. Đề nghị phải có giải pháp phù hợp, để từ năm 2024 trở đi, không còn tình trạng này” - ông Võ Đại Huế nêu vấn đề.
Giải trình ý kiến trên, ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh, cho biết xây dựng kế hoạch sử dụng đất, theo chức năng nhiệm vụ là của UBND cấp huyện. Sở TN&MT với vai trò trách nhiệm là cơ quan thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt, hướng dẫn công tác lập kế hoạch.
“Hàng năm chúng tôi đều có các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch sử dụng đất gửi cho các địa phương rất sớm. Tuy nhiên, việc triển khai ở cấp huyện chưa được kịp thời, chưa tập trung dẫn đến chậm tiến độ. Trong quá trình theo dõi, chúng tôi đều thường xuyên có văn bản đôn đốc” - ông Đức nói.
Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh thừa nhận, trong quy định, trước ngày 31-12 hàng năm phải phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của năm sau. Nhưng nhiều nơi phải đến tháng 2, tháng 3, thậm chí đến tháng 4 năm sau mới có.
Lý giải về nguyên nhân, theo ông Đức, quy trình thực hiện về pháp luật và thời gian đối với lập kế hoạch sử dụng đất phải có đơn vị tư vấn. Trước đó, phải thực hiện quy trình đầu thầu chọn lựa nhà thầu làm việc này. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào phê duyệt vốn đầu tư công.
Đối với danh mục thu hồi đất, phải thông qua HĐND tỉnh tại các kỳ họp sắp tới để thông qua. Khi có nghị quyết mới đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Lúc đó, về huyện phải cập nhật, rồi mới trình lên Sở TN&MT để thẩm định mới triển khai. Như vậy, quy trình lập kế hoạch sử dụng đất trải qua rất nhiều quy trình pháp luật, mất nhiều thời gian.
"Hàng năm, chúng tôi đều đôn đốc triển khai sớm, nhưng kế hoạch sử dụng đất hầu như năm nào cũng ban hành muộn. Việc chậm ban hành kế hoạch sử dụng đất tuy có ảnh hưởng, nhưng nếu kế hoạch sử dụng đất năm trước chưa thay thế, thì vẫn tiếp tục được sử dụng, việc giao đất, cho thuê đất vẫn làm được” - ông Đức nói.
Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm đất đai
Báo cáo của UBND tỉnh tại phiên giải trình thể hiện trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở TN&MT đã tổ chức ba cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai tại 10 đơn vị quản lý, sử dụng đất.
Qua đó, sở này đã trực tiếp xử phạt và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng.
Từ năm 2016 - 2021, trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án đã được UBND tỉnh thu hồi, bàn giao địa phương quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật.
Những dự án này được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.
Kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn tiếp thu ý kiến trao đổi tại phiên giải trình để bổ sung, hoàn thiện báo cáo giải trình.
Bà yêu cầu tiếp tục chủ động, kiên trì tổng hợp những vướng mắc, khó khăn để kiến nghị, làm việc với Trung ương ban hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến đất đai, đấu thầu thuốc, vật tư y tế và hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của Trung ương.
Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chung của tỉnh, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế chính sách phù hợp với quy định và nguồn lực thực tế của địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế…
Tháng 12-2022, HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành nghị quyết số 50 thể hiện bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Đó là tính định hướng, tầm nhìn, dự báo trong quy hoạch sử dụng đất còn hạn chế, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng công tác quản lý, nhu cầu sử dụng đất tại địa phương.
Việc lấy ý kiến đóng góp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn mang tính hình thức, ít có ý kiến đóng góp. Công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nơi thực hiện chưa sâu rộng, phần lớn người dân chưa nắm được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.
Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, việc sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch, lãng phí, kém hiệu quả. Đồng thời, vẫn còn tình trạng đất công bị lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch chưa được thu hồi.
Diện tích đất các hồ đập bị lấn chiếm xây dựng trái phép chưa có biện pháp xử lý, việc cho thuê đất, mượn đất công một số xã, phường không đúng thẩm quyền, nhiều trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý dứt điểm, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Tình trạng “quy hoạch treo” còn tồn tại ở nhiều địa phương trong tỉnh.