Ngày 8-11, UBND huyện M’Drắk (Đắk Lắk) họp báo thông tin việc cưỡng chế 64 hộ dân ở xã Cư San để thực hiện dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng.
Người dân tự tháo dỡ nhà cửa tại dự án. Ảnh: AX |
Theo ông Nguyễn Đức Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện M’Drắk, việc người dân không di dời, còn ở lại vùng lòng hồ chứa nước Krông Pách Thượng, nhất là ở vùng trũng thấp rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản khi có mưa bão.
Cuối tháng 10-2022, UBND huyện M’Drắk đã ban hành quyết định cưỡng chế 64 hộ ở lòng hồ. Đến nay, đã có 48 hộ tự nguyện, đồng ý di dời. Riêng 16 hộ còn lại không bàn giao mặt bằng, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế từ ngày 15 đến ngày 17-11.
“Vẫn còn hơn 500 hộ nữa chưa di dời được về khu tái định cư số 2 tại xã Cư Bông, huyện Ea Kar với quy mô dự kiến đáp ứng cho 552 hộ. Tuy nhiên, khu này chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế cũng như đất sản xuất cho bà con. Do đó, rất khó thuyết phục người dân còn ở lại di dời ra khỏi lòng hồ"- ông Thảo thông tin.
UBND huyện M’Drắk họp báo thông tin việc cưỡng chế. Ảnh: AX |
Theo ông Võ Thành Toàn, Trưởng phòng đền bù, giải phóng mặt bằng- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án trên), cơ đơn vị liên quan đang nỗ lực hoàn thiện khu tái định cư số 2.
“Đến ngày 31-11 hệ thống điện, cấp nước ở khu tái định cư số 2 sẽ đảm bảo đón người dân vào ở. Từ nay đến ngày 30-6-2023, chủ đầu tư và chính quyền địa phương sẽ bàn giao 619 ha đất cho bà con định canh” – ông Toàn nói.
Dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng ảnh hưởng tới hơn 700 hộ dân với diện tích 580 ha tại xã Cư San. Đất bị thu hồi làm dự án có nguồn gốc do đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do vào lấn chiếm đất rừng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện đã có 391 hộ được chi trả tổng cộng 255 tỉ đồng.
Người dân ở lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng bị ngập mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Ảnh: AX |
Dự án đội vốn từ 2.000 lên 4.400 tỉ đồng
Dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, do Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án khởi công từ năm 2009, nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng 15.000 ha đất nông nghiệp tại các huyện phía Đông tỉnh Đắk Lắk.
Đến năm 2018, dự án này đội vốn lên 4.400 tỉ đồng. Sau nhiều năm trì trệ, dự án được Thủ tướng cho gia hạn đến hết năm 2023.