Ông NQV (người dân ở ấp 5, xã Phú Túc) bức xúc, trước đây tại khu vực bờ sông Ba Lai (đoạn gần Cầu Đò, ấp 5, xã Phú Túc) không bị sạt lở nhưng từ khi bãi gỗ thân cây dừa “khủng” được tập kết tại đây, bờ sông Ba Lai tạo thành bãi lở lấn ra sông hơn chục mét tính từ chân đê.
Người dân bức xúc vì bãi gỗ dừa "khủng" lấn sông Ba Lai.
Cũng theo phản ánh của người dân, tình trạng tập kết bãi gỗ dừa tại khu vực này diễn ra nhiều tháng nay. “Hằng ngày có 4-5 chiếc xe lôi nườm nượp chở gỗ dừa bằng đường bộ đến tập kết tại bãi này. Dưới sông mỗi ngày đều có ghe hoặc sà lan đến nổ máy để cẩu gỗ cây dừa vận chuyển đi.
Tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay, do lượng gỗ tập kết với số lượng lớn đã khiến bờ sông bị sạt lở. Dù người dân cũng đã trình báo chính quyền địa phương nhưng vẫn không thấy họ đến xử lý” - một người dân bức xúc nói.
Qua ghi nhận thực tế, tại bãi gỗ dừa có đến hàng trăm thân cây dừa, mỗi cây dài gần chục mét nằm ngổn ngang, chất đống, trải từ trên đê dài xuống bãi lở của sông Ba Lai hơn chục mét. Thậm chí hàng chục cây gỗ dừa lớn nằm chồng lên nhau lấn ra lòng sông Ba Lai gây mất an toàn giao thông đường thủy tại khu vực này.
Hàng chục cây dừa tràn xuống sông Ba Lai lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy tại khu vực.
Được biết bãi gỗ dừa này do ông Hồ Văn Thanh (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Bến Tre) tập kết. Ông Thanh cho biết hằng ngày ông mua gỗ dừa từ các xã Phú Túc, Phú Đức, An Khánh… và tập kết về bãi tại bờ sông Ba Lai đoạn thuộc ấp 5, xã Phú Túc để vận chuyển bằng đường sông cung cấp cho các công trình.
Ông Phan Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc cho biết hiện con đê dọc sông Ba Lai là đất của Nhà nước, địa phương có trách nhiệm quản lý và không được phép cho thuê với mọi hình thức. Tuy nhiên, do ông Thanh mua gỗ dừa của bà con ở địa phương nên thời gian qua xã có cho ông Thanh mượn tạm bãi để tập kết gỗ dừa ven sông Ba Lai.
Theo người dân, từ khi tập kết bãi gỗ dừa đã gây sạt lở tại khu vực này.
Còn theo lời ông Thanh, ông được UBND xã đồng ý cho tập kết gỗ dừa tại bãi. Và trước đó ông Thanh cũng đã “lo” trước cho địa phương 2 triệu đồng để tổ chức một buổi lễ ở ấp. “Hiện tại tôi đã gửi đơn đến UBND xã để xin thuê dài hạn bãi này” - ông Thanh nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Túc, trước đây ông Thanh từng tập kết gỗ dừa trên đê, cản trở giao thông nên xã có lần yêu cầu phải chấn chỉnh. Trả lời PV về phản ánh của người dân về việc tập kết gỗ dừa của ông Thanh gây sạt lở và lấn sông Ba Lai, ông Long cho biết sắp tới xã sẽ tiến hành kiểm tra bãi tập kết. Nếu có sạt lở phải yêu cầu ông Thanh khắc phục, còn nếu khu vực bị sạt lở nhiều thì sẽ không cho ông Thanh tiếp tục tập kết gỗ dừa tại khu vực này.