Mới đây, Pháp Luật TP.HCM nhận được phản ánh của nhiều cư dân đang sống tại chung cư Gia Hòa, thuộc phường Phước Long B, TP Thủ Đức về việc ông ĐVT, trưởng ban quản trị chung cư Gia Hòa kiêm tổ phó tổ 14, khu phố 6, phường Phước Long B, ban hành thông báo thu tiền các loại quỹ năm 2022. Cụ thể, trong thông báo thu tiền các loại quỹ trên ghi thông tin không cụ thể, dẫn đến người dân nghi ngờ về tính minh bạch trong việc thu quỹ.
Cư dân bất ngờ
Anh CHA (một cư dân đang sống ở chung cư Gia Hòa) cho biết anh sống tại đây được sáu năm. Trong suốt thời gian ở đây, chưa năm nào anh nhận được thông báo hay thông tin về việc đóng các loại quỹ hằng năm. Tuy nhiên, đến ngày 3-6, cư dân tại đây nhận được thông báo của tổ 14, khu phố 6 do ông ĐVT, trưởng ban quản trị chung cư Gia Hòa kiêm tổ phó tổ 14, khu phố 6, phường Phước Long B, ký ban hành với nội dung: “Căn cứ vào Thông báo số 27/TB-UB phường Phước Long B, về việc giao chỉ tiêu các loại quỹ năm 2022; căn cứ vào thông báo của khu phố 6 về việc thu các loại quỹ năm 2022. Tổ dân phố 14 thông báo mức thu mỗi hộ gia đình (mỗi căn hộ): 150.000 đồng. Hình thức thu: Thông qua chuyển khoản; số tài khoản…”.
Anh CHA cũng cho biết khi nhận được thông báo đóng tiền quỹ nêu trên nhiều cư dân ở đây đều bất ngờ và còn có rất nhiều câu hỏi. Cụ thể như thông báo đóng quỹ nhưng không nói là quỹ gì. Nếu là đóng quỹ theo quy định của Nhà nước thì tại sao tiền quỹ lại nộp về số tài khoản cá nhân.
Cư dân chung cư Gia Hòa nhận được thông báo thu tiền các quỹ năm 2022 từ tổ dân phố 14. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Tương tự, anh VT cũng đang ở chung cư Gia Hòa cho biết tổ dân phố 14 có đưa ra thông báo thu tiền của khu phố 6. Nội dung chính của thông báo là thu bảy loại quỹ như phòng chống lụt bão, xóa đói giảm nghèo, vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì biển đảo quê hương, khuyến học và hỗ trợ dân quân. Tổng số tiền phải đóng cho các loại quỹ nêu trên là 150.000 đồng.
“Dù trong thông báo này đã nêu các loại quỹ phải đóng nhưng tôi và một số cư dân ở đây vẫn không biết quỹ nào là bắt buộc, quỹ nào là tự nguyện. Số tiền 150.000 đồng không phải là lớn, cư dân hoàn toàn có thể đóng được. Thậm chí là các quỹ tự nguyện, cư dân vẫn hoàn toàn có thể đóng góp nhưng vấn đề là phải công khai, minh bạch và khách quan, thông tin phải rõ ràng” - anh T nói.
Chưa phổ biến kỹ đến người dân
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tấn, trưởng ban điều hành khu phố 6, cho biết thực hiện Thông báo 27 của UBND phường, ngày 27-5, ban điều hành khu phố 6 đã ban hành thông báo về việc thu các loại quỹ năm 2022 trên địa bàn dân cư khu phố 6.
Theo ông Tấn, trước khi tiến hành thu các loại quỹ này, ban điều hành khu phố đã tổ chức họp phổ biến, tuyên truyền và quán triệt đến các tổ trưởng về nội dung của các loại quỹ này. Theo đó, trong bảy loại quỹ được nêu trên thì chỉ có quỹ phòng chống lụt bão là bắt buộc, còn lại là các quỹ tiếp nhận trên tinh thần tự nguyện đóng góp của người dân.
“Trong cuộc họp ngày 27-5, chúng tôi đã nhắc vấn đề này đến từng tổ trưởng, yêu cầu các tổ trưởng trước khi triển khai phải tổ chức họp dân và thông báo để người dân được biết. Về sự việc đang diễn ra ở tổ 14 chung cư Gia Hòa là do tổ trưởng, tổ phó thời gian qua bận công việc nên chưa phổ biến kỹ đến người dân” - ông Tấn thông tin.
Liên quan đến vấn đề thu tiền quỹ thông qua tài khoản cá nhân, ông Tấn cũng cho biết thực tế khi đi thu tiền quỹ hiện nay, nhiều tổ trưởng, tổ phó đến nhà người dân hai, ba lần nhưng đều không gặp được chủ nhà. Do đó để thuận tiện cho việc đi lại, người dân có thể đóng tiền thông qua tài khoản. “Việc người dân nộp tiền quỹ thông qua tài khoản vẫn được đảm bảo công khai, minh bạch vì các tổ trưởng, tổ phó sau khi thu tiền phải có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách và công bố cho người dân được biết” - ông Tấn nói.
Cũng trong sáng 7-6, chúng tôi đã liên hệ với ông ĐVT, trưởng ban quản trị chung cư Gia Hòa kiêm tổ phó tổ 14 nhưng ông T cho biết đang bận đi làm. Đề nghị liên hệ ban điều hành khu phố để biết thêm thông tin.
Liên quan đến sự việc này, PV cũng đã liên hệ UBND phường Phước Long B để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, cán bộ văn phòng UBND phường cho biết lãnh đạo đang bận họp, vui lòng để lại thông tin, UBND phường sẽ kiểm tra và trả lời cho báo chí sau.•
Pháp luật quy định như thế nào về việc đóng các loại quỹ?
Căn cứ vào Nghị định 78/2021, chỉ có một quỹ mà pháp luật bắt buộc người dân phải đóng là quỹ phòng chống thiên tai.
Theo Nghị định 78/2021, quỹ này sẽ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sinh sống, hoạt động hoặc tham gia phòng chống thiên tai tại Việt Nam. Lưu ý, cá nhân phải đóng loại quỹ này sẽ là người từ đủ 18 tuổi đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Mức đóng góp quỹ phòng chống thiên tai sẽ tùy vào từng đối tượng mà có mức đóng khác nhau. Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp… đóng 1/2 của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng 1/2 của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động. Người lao động khác, ngoài các đối tượng đã được quy định trong Nghị định 78 thì đóng góp 10.000 đồng/người/năm...
Tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 78/2021 quy định đối với UBND cấp xã tổ chức thu của các đối tượng lao động khác trên địa và chuyển vào tài khoản ở cấp huyện do UBND cấp tỉnh ủy quyền. Việc thu bằng tiền mặt phải có chứng từ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Căn cứ vào Nghị định 93/2019, nhóm quỹ tự nguyện đóng góp sẽ bao gồm các quỹ xóa đói giảm nghèo, vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì biển đảo quê hương, khuyến học…
Vì các quỹ trên thuộc nhóm quỹ hoạt động vì mục đích hỗ trợ, khuyến khích nên việc đóng góp các quỹ này sẽ dựa theo tinh thần tự nguyện của người dân, không được bắt buộc người dân phải đóng.
Luật sư ĐINH VĂN TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM
NGUYỄN HIỀN ghi