Ngày 23-9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
Có thể nói đây là lần đầu tiên Đảng xác định công tác cán bộ là một loại quyền lực cần được kiểm soát và cũng lần đầu tiên các hành vi chạy chức, chạy quyền gắn liền với công tác cán bộ được Đảng điểm danh trong một quy định của Bộ Chính trị.
Không được để người thân lợi dụng thao túng
Theo đó, thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong tất cả việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ đều là quyền lực.
Quyền lực đó cần phải được kiểm soát để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền lực được giao.
Phần quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định 205 bám sát nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Theo đó, có ba điều quy định riêng biệt, có tính tổng quát, bóc tách rõ trách nhiệm của ba chủ thể: (1) cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; (2) thành viên của cấp ủy, của tổ chức đảng và của tập thể lãnh đạo; và (3) người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.
Điểm đáng chú ý trong ba điều này là yêu cầu cấp ủy viên và người đứng đầu tự giác báo cáo với tập thể khi có tình huống cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ. Và họ sẽ bị chế tài nếu để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình mà thao túng, can thiệp công tác cán bộ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Ảnh: TTXVN
Trách nhiệm và giới hạn của bí thư cấp ủy
Để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định 205 mô tả rõ thẩm quyền của người đứng đầu chủ yếu là chỉ đạo, điều hành về thủ tục, quy trình công tác cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, vận hành đúng đắn nguyên tắc “tập trung, dân chủ”… chứ không hề có quyền quyết định về nhân sự vì đó là thẩm quyền của tập thể.
Chẳng hạn, bí thư cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nhân sự và cung cấp cho các thành viên liên quan theo đúng quy định; phải triệu tập đầy đủ, đúng thành phần khi họp bàn về công tác cán bộ; khi điều hành phải dành thời gian thỏa đáng để tập thể thảo luận thật sự dân chủ. Bí thư cấp ủy không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình. Cùng đó phải bố trí thời gian, không gian bảo đảm cho các thành viên độc lập, khách quan khi ghi phiếu biểu quyết, phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm; không vận dụng các cách thức biểu quyết khác quy định…
Đáng chú ý, người đứng đầu khi đã có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác thì không còn được toàn quyền triển khai các quy trình cán bộ theo thẩm quyền nữa mà phải báo cáo, xin ý kiến cấp trên.
Quy định 205 cũng có điều khoản riêng về trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ tham mưu đề xuất thuộc cơ quan được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp mà chủ yếu là ban tổ chức (BTC) của cấp ủy hoặc cơ quan nội vụ bên chính quyền. Theo đó, họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về công việc được phân công và nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, hay kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cán bộ…
Cán bộ phải tự giác rút lui nếu thấy không đủ phẩm chất, năng lực Với nhân sự đang được xem xét trong quy trình công tác cán bộ thì phải tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong thăng cấp bậc hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khỏe. |
Chế tài rất nghiêm khắc
Quy định 205 của Bộ Chính trị không quy định chế tài cụ thể đảm bảo thi hành mà dẫn chiếu sang “quy định hiện hành” của Đảng, đồng thời giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với BTC Trung ương tham mưu sửa đổi, bổ sung “quy định hiện hành” hoặc ban hành mới khung xử lý với các hành vi liên quan đến kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền.
Không quy định cụ thể chế tài nhưng để tăng tính răn đe, ngăn chặn, Quy định 205 đưa ra các hình thức xử lý bổ sung với đảng viên vi phạm trong lĩnh vực công tác cán bộ theo cách đã bị kỷ luật là ra khỏi quy hoạch từ 18 đến 60 tháng tùy theo hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hay cách chức. Đồng thời, đảng viên vi phạm sẽ không được bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra nữa.
Đây là hình thức xử lý bổ sung về mặt tổ chức hoàn toàn mới và nghiêm khắc hơn rất nhiều quy định chung hiện hành. Bởi theo Luật Cán bộ, công chức cũng như các quy định của Đảng, biện pháp xử lý bổ sung hiện tại với cán bộ, đảng viên bị kỷ luật chỉ không xét nâng lương, không bầu, bổ nhiệm chức vụ cao hơn trong thời gian 12 tháng kể từ khi bị kỷ luật.
BTC Trung ương là cơ quan được Bộ Chính trị giao chủ trì soạn thảo Quy định 205 này. Nguồn tin từ tổ biên tập cho biết: “Biện pháp tổ chức bổ sung trong Quy định 205 rất nghiêm khắc vì đó là yêu cầu đặc thù của công tác cán bộ, vốn nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, qua đó thiết lập khung răn đe để đảng viên không dám chạy chức, chạy quyền nữa.
Chế tài nghiêm để không dám vi phạm. Còn để không muốn, không thể vi phạm thì phải dựa vào cả hệ thống quy định của Đảng về công tác cán bộ và các cơ chế khác nữa”.
14 nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay Bên cạnh một mục riêng nêu trên về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định 205 có một mục riêng về chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, liệt kê sáu nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền và tám nhóm hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền. Cụ thể, chạy chức, chạy quyền có các nhóm hành vi: Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tranh thủ mọi lúc mọi nơi, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc tổ chức để tặng quà, tiền, lợi ích tác động để được quan tâm; lợi dụng các mối quan hệ thân quen để tác động, gây sức ép nhằm đưa mình, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc nhóm người; lợi dụng nắm thông tin nội bộ, thông tin bất lợi của người khác để đặt điều kiện, gây sức ép tới công tác cán bộ; dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện,... Về bao che, tiếp tay thì có các nhóm hành vi: Trực tiếp biết hoặc biết qua đơn thư mà che giấu, thỏa thiệp, không đấu tranh, xử lý, không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch hồ sơ nhân sự; trì hoãn, không thực hiện các thủ tục, quy trình nhân sự; trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho hành vi chạy chức, chạy quyền. Để đảm bảo chặt chẽ, không bỏ lọt, Bộ Chính trị còn quy định “hành vi khác” có tính chất chạy chức, chạy quyền hoặc nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. |