Sáng 20-5, trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình.
Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan chưa nghiêm
Chính phủ đánh giá: Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KTXH nước ta những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức.
“Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách Nhà nước tăng khá; các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định. Đời sống nhân dân được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”- Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh. Ông đồng thời thông tin các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế đánh giá cao nỗ lực cải cách chính sách và triển vọng tích cực trong trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam…
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường.
Cạnh đó, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn.
“Chi ngân sách Nhà nước ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự tiết kiệm. Quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn bất cập. Tăng trưởng một số ngành, lĩnh vực có xu hướng chậm lại”- báo cáo nhấn mạnh.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực còn chậm, có nơi chưa thực sự quyết liệt. Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động các nguồn lực, nhất là vốn tín dụng, đất đai, nhân lực chất lượng cao và mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Về các vấn đề xã hội, Chính phủ đánh giá đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… gây bức xúc xã hội.
Năng lực nghiên cứu, đề xuất chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; còn một số quy định chồng chéo, thiếu khả thi, chậm được sửa đổi, chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống để giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc xã hội.
“Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; hiệu quả phối hợp công tác chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả”- Báo cáo nêu rõ.
Sớm ban hành kết luận thanh tra được dư luận quan tâm
Cũng trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ đề cập tới bảy giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó có nhóm giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đáng chú ý, Chính phủ nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ.
“Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, bảo đảm công khai, minh bạch. Làm tốt công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương”- báo cáo nêu.
Cạnh đó, tập trung rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh xây dựng đồng bộ Chính phủ điện tử và các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu dân cư. Tiếp nhận, xử lý nhanh và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia dẫn đầu ASEAN về Chính phủ điện tử.
Trình bày trước Quốc hội, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành các kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
“Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa DNNN, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... và tình trạng “tham nhũng vặt” trong thực thi công vụ; kiên quyết phòng chống, xử lý nghiêm mọi hình thức chạy chức, chạy quyền”- Phó Thủ tướng nêu rõ.
Một nhiệm vụ đáng chú ý khác là đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan…
“Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đồng chí, đồng bào, cử tri cả nước tăng cường giám sát, phối hợp hành động, đồng hành cùng Chính phủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước Quốc hội.