Đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2014: Ngoại ngữ, lịch sử đứng cuối bảng

Cả nước có 910.831 học sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT năm nay (hệ THPT có 823.796 học sinh, hệ giáo dục thường xuyên có 87.035 học sinh). Hà Nội là địa phương có số học sinh thi tốt nghiệp đông nhất cả nước (76.151 học sinh), tiếp đó là TP.HCM (57.544).

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Ngày 2-6 sẽ thi ngữ văn từ 8g-10g, chiều thi lịch sử từ 13g30-15g và thi vật lý từ 16g15-17g15. Ngày 3-6, sáng thi toán từ 8g-10g, chiều thi địa lý từ 13g30-15g, thi hóa học từ 16g15-17g15. Ngày 4-6, sáng thi ngoại ngữ từ 8g-9g, thi sinh học từ 10g15-11g15.

Nguồn: Bộ GD-ĐT

Nhìn vào bảng đăng ký môn thi của 63 tỉnh thành trên cả nước dễ dàng nhận thấy các thành phố, khu vực kinh tế - xã hội thuận lợi có số lượng đăng ký dự thi ngoại ngữ rất cao. Hà Nội có 20.040/76.151 học sinh đăng ký thi tiếng Anh, TP.HCM có 23.475/57.544 thí sinh đăng ký thi tiếng Anh. Tuy nhiên, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tây nguyên có tỉ lệ đăng ký dự thi ngoại ngữ rất thấp. Lai Châu chỉ có 19/2.645 học sinh đăng ký thi tiếng Anh, không có thí sinh đăng ký thi ngoại ngữ khác; Bắc Kạn có 140/3.183 học sinh, Cao Bằng có 170/5.143 học sinh, Hà Giang có 52/6.621 học sinh đăng ký thi tiếng Anh...

Với môn lịch sử, tình hình hoàn toàn ngược lại. Tại Hà Nội và TP.HCM, số học sinh chọn thi môn này đứng cuối bảng (Hà Nội: 6.753 và TP.HCM: 3.941).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 lần đầu tiên được đổi mới theo hướng chỉ còn bốn môn thi, trong đó có hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn, hai môn thi tự chọn, học sinh sẽ được lựa chọn trong số sáu môn thi còn lại là vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ. Trước khi có số liệu tổng hợp của Bộ GD-ĐT, dư luận xã hội đặt lo ngại nhiều vào môn lịch sử khi có ít học sinh đăng ký, có những trường THPT không có học sinh đăng ký. Nhưng nhìn vào bảng số liệu trên thì lại thêm một quan ngại nữa cho số phận môn ngoại ngữ.

Việc lựa chọn môn thi này phù hợp với điều kiện, chất lượng dạy học ngoại ngữ của các tỉnh thành trên cả nước. Những năm trước đây, Bộ GD-ĐT có quy định “môn thi thay thế” cho những học sinh không đủ điều kiện học đủ chương trình ngoại ngữ quy định. Nhưng số lượng học sinh thi “môn thay thế” các năm trước ít hơn nhiều số học sinh không lựa chọn môn ngoại ngữ của năm nay khi ngoại ngữ không còn ở vị trí “bắt buộc”.

Rất có thể ngoại ngữ sẽ xuống dốc về chất lượng nếu Bộ GD-ĐT không có ngay các giải pháp thúc đẩy chất lượng, trong khi vẫn xếp ngoại ngữ vào danh sách môn thi “tự chọn”.

Theo VĨNH HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm