Ngày 3-5, TAND tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, sau này là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam-SBIC).
Trong vụ án này, VKSND tỉnh Phú Yên truy tố ba bị cáo cùng tội danh trên. Ba bị cáo ra tòa gồm Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin; Võ Tân, nguyên giám đốc Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên (viết tắt là CNNTS, thuộc Vinashin); Dương Sơn Hoan, nguyên kế toán trưởng công ty này.
Bị cáo cựu chủ tịch Vinashin khá căng thẳng tại phiên tòa ngày 3-5. Ảnh: TẤN LỘC
Cáo trạng do VKSND tỉnh Phú Yên công bố tại phiên tòa xác định: Tháng 10-2007, Võ Tân - giám đốc Công ty CP CNNTS ký tờ trình đề nghị Tập đoàn Vinashin cho chủ trương đầu tư xây dựng đội vận tải biển, gồm hai tàu 6.800 DWT và hai tàu 4.000 DWT. Ngày 22-10-2007, Tập đoàn Vinashin cho phép Công ty CP CNNTS lập dự án đầu tư đóng mới hai tàu vận tải biển 4.000 DWT với tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng. Lãnh đạo Tập đoàn Vinashin cũng chỉ định đơn vị tư vấn đầu tư là Công ty CP Vinashin, đơn vị thiết kế là Công ty TNHH MTV Tư vấn-thiết kế công nghiệp tàu thủy đều thuộc Vinashin.
Dù tập đoàn chỉ mới cho phép lập dự án nhưng ngay trong ngày 22-10-2007, Võ Tân lập tờ trình khởi công đóng mới hai tàu 4.000 DWT và được Phạm Thanh Bình, chủ tịch Vinashin thời điểm đó, bút phê đồng ý. Ngoài ra, chủ tịch Vinashin còn chỉ đạo giám đốc Công ty CP CNNTS lập thủ tục hợp thức hóa hồ sơ dự án để phê duyệt. Đến ngày 9-1-2008, chủ tịch Vinashin mới ký quyết định phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí chuẩn bị đầu tư có nội dung chấp thuận đơn vị lập dự án là Công ty CP CNNTS, đồng thời chỉ định đơn vị thẩm tra dự án là Công ty CP Tư vấn đầu tư Hoàng Anh.
Tàu vận tải biển 4.100 DWT do Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên đóng dở dang khi chưa thành đống phế liệu. Ảnh: TẤN LỘC
Thế nhưng trước đó Công ty CP CNNTS đã tự vay vốn, ký kết hợp đồng kinh tế mua sắt thép, đóng mới một tàu vận tải biển 4.100 DWT. Đến tháng 10-2008, Công ty CP CNNTS phải dừng thi công đóng tàu do dự án đóng tàu vận tải biển không hoàn chỉnh hồ sơ để Tập đoàn Vinashin phê duyệt. Trong khi đó, tổng chi phí đã đầu tư hơn 9,6 tỉ đồng. Sau gần năm năm ngừng thi công, tàu vận tải biển 4.100 DWT trở thành đống sắt phế liệu và Công ty CP CNNTS phải bán thanh lý vào tháng 6-2012. VKSND tỉnh Phú Yên kết luận: Phạm Thanh Bình, Võ Tân, Dương Sơn Hoan đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, tổ chức thi công đóng tàu 4.100 DWT khi chưa được thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định, gây thiệt hại hơn 5 tỉ đồng.
Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX tập trung xét hỏi hai bị cáo Phạm Thanh Bình, Võ Tân để làm rõ quá trình, hành vi, nguyên nhân sai phạm. Cựu chủ tịch Vinashin thừa nhận phần lớn nội dung cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, bị cáo Phạm Thanh Bình cho rằng lãnh đạo Tập đoàn Vinashin chỉ cho chủ trương triển khai dự án đầu tư đóng mới tàu vận tải biển, còn việc thực hiện dự án khi chưa hoàn chỉnh thủ tục dẫn đến vi phạm là trách nhiệm của chủ đầu tư là Công ty CP CNNTS. Lý giải nguyên nhân cho chủ trương triển khai dự án, nhất là đồng ý cho khởi công đóng mới hai tàu biển khi chưa thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, cựu chủ tịch Vinashin cho rằng do nóng vội để tỉnh Phú Yên sớm có đội vận tải biển.
Theo HĐXX, dự kiến phiên tòa diễn ra trong hai ngày 3 và 4-5.
Cựu chủ tịch Vinashin đang thụ án 20 năm Bị cáo Phạm Thanh Bình, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin, ra tòa khi đang thi hành bản án 20 năm tù trong vụ án cố ý làm trái khác cũng xảy ra tại Tập đoàn Vinashin. Năm 2012, Phạm Thanh Bình cùng nhiều cựu quan chức của Vinashin bị đưa ra xét xử trong vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại gần 1.000 tỉ đồng. Trong vụ án này, cựu chủ tịch Vinashin bị phạt 20 năm tù cũng về tội cố ý làm trái. |