Bị cáo Tuyết là người từng có 60 luật sư đăng ký bào chữa, sau chính thức còn 34 luật sư bào chữa tại giai đoạn sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm này, Tuyết có tám luật sư bào chữa.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra từ sáng, đến cuối buổi chiều nay phiên tòa đến phần tranh luận. Đại diện VKS phúc thẩm đề nghị hủy án để điều tra lại một số vấn đề và cho Tuyết tại ngoại vì thời gian tạm giam đã trên năm năm.
Người từng có 34 luật sư bào chữa tiếp tục kêu oan. Đại diện VKS phúc thẩm đề nghị hủy án và cho Tuyết tại ngoại vì tạm giam đã trên năm năm.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2007, Tuyết làm thủ quỹ cho Công ty Thiên Long. Tháng 8-2008, Công ty Thiên Long đổi chủ và đổi tên thành Công ty TNHH Dịch vụ vệ sĩ, bảo vệ Bảo Định. Tuyết vẫn tiếp tục được giao làm thủ quỹ. Quá trình hoạt động, Công ty Bảo Định nhiều lần thay đổi giám đốc và kế toán. Đến ngày 11-4-2013, Tuyết có đơn xin nghỉ việc, công ty đối chiếu chứng từ, sổ sách và bị thất thoát tiền mặt.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Tiền Giang, từ ngày 1-5-2012 đến ngày 11-4-2013, lợi dụng sơ hở trong quản lý tài chính của Công ty Bảo Định, Tuyết đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của công ty trên 732 triệu đồng.
Vụ án đã nhiều lần được đưa ra xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM từng hủy bản án sơ thẩm phạt bị cáo 12 năm tù vì chưa đủ căn cứ buộc tội...
Những người liên quan đã xác nhận công ty có ba sổ sách khác nhau; nguồn thu của công ty và nguồn báo cáo thuế sai lệch; chữ ký của Tuyết bị giả mạo; phiếu thu và phiếu chi nhiều lần không ghi tên...
Các luật sư có nhiều ý kiến cho rằng việc việc cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm sai lệch hồ sơ vụ án do cho bị hại mượn lại chứng từ để sao chụp nên hồ sơ không có giá trị pháp lý, hồ sơ bị tẩy xóa. Các con số nêu trong cáo trạng không chính xác, cụ thế số tiền bị cho là Tuyết đã chiếm đoạt còn lớn hơn số tồn của Công ty Bảo Định.
HĐXX sơ thẩm thì cho rằng việc cơ quan điều tra cho bị hại mượn lại hóa đơn chứng từ là vi phạm tố tụng, tuy nhiên vi phạm đó là không nghiêm trọng, không làm thay đổi bản chất vụ án vì trước đó đã cho bị cáo, kế toán kiểm tra đối chứng với những chứng từ này.
Ngoài ra, tài liệu gốc trong hồ sơ không thể hiện bị tẩy xóa con số mà luật sư cho là bị sai lệch. Về việc yêu cầu giám định lại chữ số âm nợ trong sổ kế toán, HĐXX xét thấy không cần thiết. Đối với những sai sót của những con số trong cáo trạng, HĐXX cho rằng đó chỉ là sai sót về thủ tục, chỉ cần đính chính là được.
Đại diện công ty trình bày rằng có hai trưởng hợp nhân viên đi thu tiền về nhưng không nộp lại cho thủ quỹ là chị Tuyết, số tiền khoảng 30 triệu đồng. Ông này đề nghị làm rõ để cấn trừ cho bị cáo. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm lại cho rằng bị cáo chưa từng có thắc mắc vấn đề này. Cáo trạng cũng chỉ dựa trên những chứng từ bị cáo đã đồng ý, cập nhật vào sổ quỹ và xác nhận có thực thu, thực chi nên tòa không xét. Quá trình thi hành án, công ty bớt cho bị cáo bao nhiêu mặc tình. |