Long An - Ngàn năm dấu tích người xưa - Bài 1

Đánh thức kho báu ngàn năm

Theo tính toán chưa đầy đủ, đến nay trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 120 di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo, trong đó đã tiến hành khai quật trên 30 di tích với khoảng 1.200 hiện vật.

Người Long An trồng lúa từ 3.000 năm trước

Di tích thời tiền sử cách nay trên 2.000 năm, các di tích Óc Eo khoảng 2.000 năm trở lại đây. Theo Khảo cổ học Long An-Những thế kỷ đầu Công nguyên, cách đây khoảng 4.000-5.000 năm, Long An là vùng đất có địa hình cao thoáng của thềm phù sa cổ, vừa có địa hình thấp của trầm tích phù sa mới, lại có vùng đồng bằng cận biển và nhiều bưng, trảng sình lầy trong vùng sâu Đồng Tháp Mười. Lúc này khi biển thoái đã để lại một vịnh biển nông, tạo điều kiện cho phù sa của hệ thống Cửu Long-Vàm Cỏ lan tỏa, vùng châu thổ này hình thành và ổn định cách đây 2.700-2.000 năm.

Đây cũng là lúc lớp cư dân tiền sử từ vùng đất cao Long An-Đông Nam Bộ đến khai phá, xây dựng cuộc sống mới ở hai bên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông-Vàm Cỏ Tây, là thế hệ đầu tiên chinh phục vùng đất châu thổ.

Từ trước năm 1975, tại Long An những phát hiện đầu tiên về một nền văn hóa cách hàng ngàn năm bắt đầu được công bố. Khi xây một nhà giữ trẻ ở huyện Đức Hòa, các thợ hồ phát hiện dưới nền đất có nhiều viên gạch, khối đá vuông to lớn, những pho tượng hình thù kỳ dị, lạ lẫm chưa từng thấy trước đó. Liên tục những năm sau đó ở vùng cao Đức Hòa, các học giả của Trường Viễn Đông Bác Cổ cũng tiến hành nhiều cuộc khai quật và bước đầu phát hiện nhiều hiện vật quan trọng. Mãi đến những năm 1985, khi có điều kiện, những người làm công tác khảo cổ Long An mới tiến hành nhiều đợt điền dã, đào thám sát và khai quật các di tích mà các nhà khảo cổ học Pháp đã phát hiện trước đây. Sau đó họ cũng phát hiện thêm nhiều di tích mới phân bố từ vùng cao huyện Đức Hòa đến vùng trũng thấp Đồng Tháp Mười cho đến vùng duyên hải thuộc huyện Cần Giuộc.

Hiện trường khai quật tại huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: HOÀNG NAM

Ông Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, chia sẻ: “Trong quá trình khai quật di tích Lò Gạch ở Vĩnh Hưng, chúng tôi phát hiện một điều đặc biệt chưa từng có so với các di tích đã khai quật trước đây ở Nam Bộ là việc xuất hiện nhiều lớp màu xám trắng dày 7-10 cm, đây chính là lớp vỏ trấu. Sự xuất hiện với số lượng lớn các vỏ trấu không chỉ nói lên rằng cách đây gần 3.000 năm, cư dân cổ đã biết trồng lúa, mà họ thu hoạch lúa với năng suất cao”.

“Cánh đồng vàng” ở bưng biền

Chúng tôi tìm đến xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng, nơi có di tích Gò Hàng nổi tiếng một thời và còn có một tên gọi khác là “Cánh đồng vàng”. Anh Lê Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết khoảng năm 1980 một số người đi chăn trâu tại khu vực này vô tình nhặt được nhiều đồ vật bằng vàng, đá quý nằm dưới mặt đất qua nhiều năm mưa nắng làm lộ thiên.

Tin đồn trong lòng khu đất có nhiều vàng khiến những năm sau đó, mỗi ngày cao điểm có đến hàng ngàn người từ dân săn tìm cổ vật chuyên nghiệp đến người già, trẻ con là dân địa phương đến đây đãi đất tìm vàng. Khu đất gò rộng khoảng vài hecta và cả các khu đất lân cận đều được đào xới.

“Họ dựng chòi tạm để ở ngày đêm đãi đất tìm vàng tại chỗ, cũng có người đem luôn đất về nhà. Thứ dễ tìm thấy là các mẩu vàng nhỏ, vàng có hình con sùng, nhẫn mặt hạt dưa… ngọc, đồ gốm, nhiều người may mắn sau vài tháng săn tìm vàng đã đổi đời, xây được nhà cửa. Bản thân tôi lúc đó cũng tìm được một con sùng năm phân vàng” - anh Phong kể lại.

Thời gian vật đổi sao dời, hơn 30 năm, từng tấc đất nơi này đã bị đào xới tan nát, hầu như không còn thứ gì giá trị để tìm kiếm nên đa số nông dân đã san phẳng lại khu đất. Bây giờ “cánh đồng vàng” năm xưa là một dải bạt ngàn lúa hai vụ xanh tốt.

Ngoài Gò Hàng, tại khu vực các huyện Đồng Tháp Mười như Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng có gần 30 di tích khác trong quá trình khai hoang đất đai, người dân cũng phát hiện nhiều di vật có giá trị.

Những bảo vật ở Đức Hòa

Tại huyện Đức Hòa, các nhà khảo cổ đã khai quật trên 20 cụm gò, nhiều bàu, ao nước cổ, các bến cảng cổ và phát hiện nhiều di vật phong phú như các tượng thần, yoni, linga bằng đá hay sa thạch, các khối gạch cổ cỡ lớn và rất nhiều đồ gốm cổ. Đáng chú ý nhất là các di tích Gò Xoài, Gò Đồn, Gò Năm Tước thuộc cụm di tích Bình Tả. Dựa vào đợt thám sát của các nhà khảo cổ học Pháp trước đây, đầu năm 1987 Bảo tàng Long An đã tiến hành khai quật khu vực Gò Xoài tại ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa và phát hiện một kiến trúc mộ thờ hoặc tháp thờ. Bên trong các tháp có những hố thiêng bí ẩn chôn theo nhiều hiện vật bằng vàng, trong đó có một lá vàng có minh văn bằng Phạn ngữ-Sanskrit, về sau đã có nhiều cuộc tranh cãi thú vị về nội dung chính xác của bản minh văn này.

Đến cuối năm 2013 Long An có một tượng thần Vishnu bằng đá cùng với một sưu tập hiện vật vàng tại Gò Xoài nói trên thuộc nền văn hóa Óc Eo được công nhận là bảo vật quốc gia.

Bộ sưu tập vàng này được ước đoán thuộc thế kỷ 9 sau Công nguyên, gồm 26 hiện vật bao gồm ba lá vàng hình hoa sen, một lá vàng khắc minh văn chữ Phạn, tám lá vàng chạm hình voi, một lá vàng hình rùa, một lá vàng chạm hình người, sáu lá vàng trơn, một lá vàng hình rắn, các trang sức hình lá đề và bốn nhẫn nạm hạt.

Ông Vương Thu Hồng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Long An, nhận định ngoài bộ sưu tập vàng, Long An là tỉnh thứ hai của ĐBSCL hiện đang lưu giữ một tượng thần Vishnu có giá trị hết sức đặc biệt. Tượng thuộc thế kỷ 7-8 sau Công nguyên, phát hiện năm 1987 tại di tích Gò Trâm Quỳ, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa. Tượng được miêu tả thuộc loại tượng tròn, màu xám xanh, dáng tượng đứng trên bệ, có bốn tay, mặt vuông, môi dày, thùy tai dài, đội mũ ống vuông, mình trần, mặc quần ngắn đến gối.

Hơn 100 di tích thuộc giai đoạn tiền sử và nền văn hóa Óc Eo đã được khai quật gần 30 năm qua hé lộ nhiều bí ẩn về sinh hoạt, đời sống văn hóa, xã hội của cư dân cổ cách đây hàng ngàn năm trên mảnh đất Long An.

Đánh thức kho báu ngàn năm ảnh 2
 
Long An là một địa phương có nhiều di tích, trong đó có những di tích đặc biệt quan trọng được bảo tồn tốt nên được chọn để nghiên cứu sâu. Mặt khác, tỉnh này cũng có một vị trí chuyển tiếp từ vùng cao xuống vùng thấp, là một trong những cơ sở khoa học tốt nhất để chứng minh cho tính bản địa, sự phát triển bản địa của vùng đất này.

Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa đủ sức, phương tiện và thiết bị để nghiên cứu sâu, nhất là các di tích có tầm quan trọng. Chính vì vậy thông qua chương trình hợp tác với sự tham gia của các chuyên gia người nước ngoài có kinh nghiệm sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều.

Các chương trình hợp tác giữa viện và ĐH Quốc gia Úc trước đây ở phía Bắc, từ năm 2009 được triển khai tại các tỉnh phía Nam. Long An là tỉnh đầu tiên được chọn triển khai chương trình này với cuộc khai quật đầu tiên ở An Sơn (Lộc Giang, Đức Hòa), một di tích đặc biệt quan trọng của Long An nói riêng và cả Nam Bộ nói chung.

PGS-TS BÙI CHÍ HOÀNG, Viện phó Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia

HOÀNG NAM

Bài 2: Những người “giữ lửa”

Đó là những cán bộ khảo cổ đã gắn cả đời mình với niềm đam mê mẫu vật, lắng nghe đất đá vô tri kể câu chuyện về đời sống người xưa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm