Chúng tôi trở lại khu vực khai quật di tích Lò Gạch, xã Vĩnh Trị (Vĩnh Hưng), nơi đã được công nhận di tích cấp tỉnh từ năm 2013 khi công trình đang trong những ngày cuối cùng. Trước khi khai quật lần hai di tích này, các chuyên gia khảo cổ đã mất hơn một tháng ròng rã để khai quật di tích Lộc Giang, huyện Đức Hòa.
Từ Lộc Giang đến Lò Gạch
“Đa số các di tích do người dân phát hiện và báo cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số di tích chúng tôi phải dùng kinh nghiệm để nhận ra, chẳng hạn các di tích nhà ở của cư dân cổ đều nằm cạnh nơi có dòng sông đi qua. Riêng với di tích Lò Gạch được chúng tôi phát hiện trong một lần đi điền dã, quá trình đào thám sát đến lúc khai quật đã phát hiện nhiều hiện vật phong phú có giá trị như gốm, rìu đá, công cụ bằng xương, khung đúc đồng,…” - ông Văn Ngọc Bích, Phó phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Long An, cho biết.
Vị trí khai quật là khoảng sân trống phía sau nhà ông Lê Văn Giảng với ba hố khai quật có tổng diện tích gần 40 m2. Tại đây, để đưa được những mẫu vật phong phú nằm sâu hơn 1 m dưới lòng đất phù sa ven bờ kênh Lò Gạch, sáu cán bộ của viện, ba người của Bảo tàng Long An và năm chuyên gia nước ngoài đến từ ĐH Quốc gia Úc đã phải làm việc cật lực suốt gần một tháng.
Mấy ngày qua, khi mùa lúa vừa xong, vợ chồng ông Giảng và mấy đứa con không có việc làm nên cũng phụ tham gia sàng lọc mẫu vật, bưng bê, đào đất tại di tích với tiền công 150.000 đồng/ngày, nhiều hàng xóm của ông Giảng cũng đến công trường đăng ký phụ việc.
Nhóm lò để nấu mẫu vật lấy xương. Ảnh: HOÀNG NAM
Đang giữa buổi trưa, TS Philip Piper John nằm ngay trên khoảng sân đất, dưới tán cây vú sữa đánh một giấc bụi bặm ngon lành.
Ở tuổi 48 với gương mặt có vẻ hơi ngầu, làn da rám nắng và dáng người tầm thước, TS Philip Piper, vị trưởng khoa Khảo cổ học của ĐH Quốc gia Úc, lại là một trong những thành viên hóm hỉnh nhất của đoàn. Thỉnh thoảng lại hát một bài vui nhộn để xua tan mệt nhọc. Cặm cụi cào, xúc và cẩn thận ghi chép, chụp ảnh làm tư liệu, TS Philip Piper bảo rằng đây là một trong những di tích tuyệt vời tại Long An vì được bảo quản tốt, đa số các hiện vật đều còn khá nguyên vẹn nên rất thuận lợi cho việc nghiên cứu sau này.
Bóng hồng nơi công trường nắng gió
Vợ của TS Philip Piper, ThS Fredeliza Piper người Philippines cũng là thạc sĩ khảo cổ học chuyên nghiên cứu về động vật thủy sinh. Dưới một tán cây, chị thu gom củi khô, dùng một bếp lò dã chiến để nấu nhiều loại cá, tôm, cua khác nhau để lấy xương. Các mẫu xương này và các mẫu xương cổ tìm được trong quá trình khai quật sẽ được so sánh đối chiếu để nghiên cứu.
Cạnh đó còn có Jasminda Ceron Liza người Philippines và Cristina Castillo người Tây Ban Nha cùng nghiên cứu về bào tử phấn hoa, Michelle Eusebio cũng là người Philippines chuyên nghiên cứu về chất tích tồn trong đồ gốm. Mỗi ngày họ dùng nước sàng lọc đất cát, phơi khô, sau đó sẽ phân loại các mẫu vật và ghi chép, đóng gói để đưa về phòng thí nghiệm phân tích.
Cũng như các đồng nghiệp, suốt một tháng ròng rã hai nữ cán bộ của Bảo tàng Long An là Đỗ Thị Lan và Trần Thị Kim Quý vẫn bám trụ tại công trình, buổi tối họ cũng ngủ luôn ở nhà dân với nhiều điều kiện thiếu thốn, bất tiện. Ở thế hệ 8x, ThS Kim Quý đã hoàn thành chương trình sau đại học chuyên ngành khảo cổ tại Mỹ. Công việc của chị là quản lý hiện vật, theo dõi hố khai quật. Dù đã có gia đình và con nhỏ nhưng suốt hai tháng liền, từ Lộc Giang đến Lò Gạch, chị chỉ được nghỉ ngơi mấy ngày để dành thời gian cho gia đình. Khi chúng tôi viết những dòng này, có lẽ chị vẫn đang rong ruổi trên những vùng đất xa xôi của xứ sở chùa tháp trong một chuyến khai quật phối hợp với đoàn khảo cổ học người Mỹ.
Một góc khu làm việc dã chiến. Ảnh: HOÀNG NAM
Công việc của đam mê và nhẫn nại
Những ngày đầu khai quật, đoàn chuyên gia nước ngoài có sáu người nhưng đối diện với thời tiết thất thường và khắc nghiệt “ngày nắng gắt, đêm mưa dầm” và nhiều muỗi mòng nên chuyên gia người Hà Lan là Marcus Verhoeven đã đổ bệnh và buộc phải về nước sớm.
3 giờ chiều nhưng nắng vẫn đổ gay gắt, trước mặt chúng tôi là hai hố khai quật với chiều sâu khoảng 1 m, bên cạnh là đống đất lớn và rất nhiều chạc (một loại dụng cụ cổ dùng để làm đồ gốm thường hay tìm thấy, các nhà khảo cổ chỉ giữ lại một vài mẫu cần thiết - PV) từ quá trình đào xới. Tất cả việc này đều được thực hiện bằng một cái bay nhỏ bằng bàn tay con nít và sự cần mẫn. Các nhà khảo cổ cặm cụi ngồi dưới hố giữa trời nắng như thiêu đốt, thận trọng dùng bay cào từng lớp đất cho vào xô. Từng centimet tầng đất dần hiện ra với nhiều mẫu vật phong phú như xương cá, heo, gạc nai, thậm chí có cả những mẫu đệm đan, lá dừa vẫn còn nguyên vẹn hình thù. Những mẫu vật này qua sàng lọc sạch đất cát, được phân loại bảo quản cẩn thận, riêng những mẫu than tại hiện trường sẽ được bọc kín bằng giấy bạc để không lẫn các tạp chất khác, nhằm cho kết quả phân tích niên đại chính xác.
Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi trở lại khu vực khai quật, đã thấy nhóm nhà khảo cổ đến tự bao giờ. Ông Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, cho biết khu khai quật gồm ba hố, trong đó hố lớn nhất được phỏng đoán là một nền nhà cổ với nhiều lớp đất đắp qua nhiều năm, dấu vết của các cột nhà và nền đất đắp vẫn còn thể hiện khá rõ. Theo kế hoạch, công việc khai quật phải hoàn thành trong vòng chưa đến một tháng. Tuy nhiên, khi đến ngày thứ bảy thì tiến độ công trình bị chậm lại do đoàn phát hiện một mộ táng thời tiền sử (theo lý giải của các nhà khảo cổ, qua hàng ngàn năm sinh sống với nhiều thế hệ đã dẫn đến việc chôn cất trùng lấp ngay trong khu vực nhà ở - PV).
“Việc xử lý các mộ cổ đòi hỏi công phu, chúng tôi phải cẩn thận dùng cọ, que nhỏ tách đất cát để giữ nguyên hiện trạng của bộ hài cốt nên phải mất năm ngày sau đó mới đưa được bộ hài cốt lên mặt đất. Để biết chính xác niên đại bộ hài cốt này còn phải trải qua công đoạn xác định men răng ở phòng thí nghiệm. Riêng di tích này, căn cứ vào các mẫu vật và mẫu than được tìm thấy trong nhiều lần khai quật, di tích có niên đại khoảng 2.700 năm cách ngày nay” - ông Kiên lý giải.
5 giờ chiều, có ánh chớp sáng lòe và tiếng sấm nổ phía xa chân trời, các nhà khảo cổ học cẩn thận dùng vải bạt che chắn lại các hố khai quật trước khi kết thúc một ngày làm việc.
Rồi đây nhiều hiện vật độc đáo, nhiều bí ẩn thú vị tại di tích này và nhiều nơi khác sẽ được trưng bày, công bố với công chúng. Nhưng chắc ít ai biết được rằng ở đâu đó trên những vùng xa xôi, hẻo lánh với điều kiện khó khăn, những nhà khảo cổ vẫn âm thầm làm công việc của họ, công việc đi tìm sự thật cách đây hàng ngàn năm để thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội được biết đến.
HOÀNG NAM
Bài 3: Để di tích không là phế tích
Nếu không được giữ gìn, những di tích khảo cổ sẽ biến dạng, khó lòng nghiên cứu và sau này con cháu càng không có gì để tìm hiểu, nghiên cứu về nguồn cội.