Đánh thuế đồ uống có đường: Cân nhắc thời điểm phù hợp

(PLO)-  Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, kinh nghiệm quốc tế và thực tế cho thấy áp dụng biện pháp can thiệp về thuế và giá được chứng minh rất hiệu quả trong hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-3, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường đối với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá.

Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, và năm 2018 là 50,7 lít/người.

Năm 2020, sản lượng nước giải khát và nước ngọt có ga đạt khoảng 3,3 tỉ lít và 1,5 tỉ lít. Đáng chú ý, độ tuổi 15-45 (hơn 46% dân số) có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của các nhà sản xuất. Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25 g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: T.AN

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: T.AN

Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ từ 5-19 tuổi ở Việt Nam tăng 7,3 lần trong giai đoạn 2002-2020. Riêng trẻ dưới 5 tuổi, con số này từ 0,5% năm 2000 lên 7,4% vào năm 2020 (tăng 15 lần).

Thừa cân béo phì có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ và ít nhất 13 loại ung thư. Nhiều nghiên cứu cũng tìm ra mối liên quan tương tự giữa đồ uống có đường và bệnh tim, nhất là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

“Số người mắc bệnh không lây nhiễm hiện nay rất lớn, ước tính toàn quốc có khoảng 22 triệu người. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết thì có hơn tám người do các bệnh không lây nhiễm” - BS Diễm cho hay.

Cân nhắc thời điểm áp dụng

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, kinh nghiệm quốc tế cũng như kinh nghiệm từ việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia cho thấy, để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường thì can thiệp về thuế và giá được chứng minh rất hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.AN

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.AN

Hiện Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để trình Quốc hội. “Bộ Y tế đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, cung cấp thông tin về các tác động của việc tiêu thụ đồ uống có đường đến sức khỏe. Cùng với đó là các tác động của chính sách thuế đối với ngăn ngừa và giảm tỉ lệ bệnh tật và tử vong của các bệnh không lây nhiễm, thừa cân, béo phì” - ông Tuyên nói.

Đại diện Cục Công nghiệp – Bộ Công thương cho rằng việc bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cần đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và lợi ích doanh nghiệp. Sau dịch bệnh, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi và phát triển theo chủ trương. Do đó, thời điểm áp dụng việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc sao cho phù hợp.

“Việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xem xét theo đúng quy trình, bao gồm cả lấy ý kiến các doanh nghiệp để đảm bảo đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ và thống nhất cao”- đại diện Cục nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm