Ngày 3-3, tại cuộc trò chuyện mang tên Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị khi làm phim Đào, phở và piano đang gây sốt trong thời gian gần đây.
Trả 'món nợ' với Hà Nội
Theo đó, khi được nhạc sĩ Dương Thụ đặt câu hỏi về việc điều gì đã khiến ông quyết định làm phim này, từ Mỹ, đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ điều thôi thúc ông làm phim này là bởi ông là người sinh ra ở Hà Nội, thuộc nhiều ngõ ngách, biết nhiều con người và có rất nhiều kỷ niệm.
“Tôi thầm hứa mình phải làm một cái gì về Hà Nội nhưng lâu lắm rồi, có lẽ cũng khoảng hơn chục năm nay không có phim nào và cảm giác như là một món nợ với thành phố này, với cái con người này và đặc biệt là khu khu phố cổ Hà Nội” - đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.
Ông cũng bày tỏ nếu không vì bị thôi thúc bởi điều đó ông sẽ lựa chọn làm phim khác nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.
Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình sản xuất phim Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói việc giải trình chi phí và phương án thiết kế bối cảnh, đạo cụ của phim không dễ dàng.
Trong khi bộ phim đòi hỏi sự tốn kém trong việc tái hiện không gian đường phố đổ nát vì bom đạn, những chiến lũy được dựng từ giường tủ, bàn ghế... trên phố phường.
Theo đạo diễn, khu phố cổ Hà Nội trong Đào, phở và piano được dựng hoàn toàn tại một khu đất trống trong doanh trại quân đội ở Vĩnh Phúc. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật dựng một con đường với vỉa hè, những bức tường đổ nát, chiến lũy.
Họ dựng một số căn nhà rồi phá đổ, vẽ biển hiệu, làm sơn bong tróc và trầy xước cho đúng thời đại. Xe tăng, tàu điện cũng được đặt làm riêng. Bản thân ông cũng bất ngờ khi nhìn thấy phim trường.
"Các bạn thấy đấy, đến người trong cuộc cũng không nhớ chính xác. Chúng tôi tính toán cần tạo hiệu quả cho hình ảnh và âm thanh. Họa sĩ thiết kế chọn nồi đồng bởi đấy là món đồ đặc trưng của Hà Nội, vừa tạo ấn tượng về âm thanh, vừa gửi gắm được hồn cốt dân tộc. Nếu ai bảo tôi chứng minh thời đấy người dân làm vậy thì tôi chịu"- đạo diễn Phi Tiến Sơn giải thích.
Điện ảnh Việt Nam còn hạn chế
Ông cũng bày tỏ phim lịch sử cần dựng bối cảnh hoàn toàn, để đảm bảo sự sáng tạo của nhà làm phim. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam còn hạn chế về kinh phí, nhân sự và vật liệu thiết kế đặc trưng.
Đối với những "hạt sạn" khán giả chỉ ra, ví dụ như cục nóng điều hòa lọt vào khung hình, đạo diễn giải thích: "Tôi biết khán giả cần bối cảnh tỉ mỉ và hoành tráng hơn. Chúng tôi còn nhiều lỗi nhưng đó là điều khó tránh. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Thật lòng, chúng tôi cũng vui khi khán giả xem phim kỹ. Điều đó cũng chứng tỏ khán giả hiểu biết về lịch sử và người làm phim chúng tôi còn được khán giả quan tâm".
Đề cập đến việc làm phim về lịch sử, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng bây giờ làm phim về đề tài lịch sử rất là khó khăn. Tiểu thuyết lịch sử ra đời đã gặp khó khăn rồi, với phim phạm vi phổ biến rộng hơn sẽ rất nhiều ý kiến, nhiều đánh giá, thậm chí quan niệm về lịch sử của mọi người cũng khác nhau.
“Tôi cũng rất mê đề tài lịch sử nhưng thực ra thì tôi 'run rẩy' khi nghĩ đến làm phim chính sử”- ông thổ lộ.
Chính vì vậy đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết ông đã chọn hình thức lấy cái cảm hứng của một sự kiện lịch sử, lấy không khí lịch sử của giai đoạn ấy để mà kể câu chuyện hư cấu các nhân vật hư cấu.
Phim Đào, phở và piano kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đóng). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17-2-1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Thời gian vừa qua, bộ phim nhận được sự quan tâm của khán giả và đạt doanh thu khoảng 10 tỉ đồng.