Đào tạo chính quy ngành Quản lý thị trường: Bước ngoặt lịch sử

Việc đào tạo đại học về QLTT là định hướng chiến lược quan trọng nhằm chuẩn bị nguồn lực cho lực lượng QLTT giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030, là điều kiện tiên quyết để phát triển lực lượng QLTT theo hướng chính quy - chuyên nghiệp – hiện đại.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực QLTT

Đầu năm 2021, Tổng cục QLTT và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo đại học cho lực lượng QLTT. Sự kiện này đã mở ra một dấu ấn mới trong con đường hình thành và phát triển của QLTT. Từ nay, ngành học QLTT đã có trong khung đào tạo chính quy đại học. Việc ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo đại học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực QLTT phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng QLTT phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác đào tạo đại học cho lực lượng QLTT.

Theo Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh, lực lượng QLTT được hình thành từ năm 1957. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, lực lượng QLTT đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước.

Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế quốc tế, lực lượng QLTT ngày càng lớn mạnh, mô hình tổ chức đã được hoàn thiện, đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chưa có trường đại học nào ở Việt Nam đào tạo chính quy chuyên ngành QLTT. Trước đây, hầu hết công chức QLTT đều được đào tạo ở những ngành khác nhau và làm việc theo kinh nghiệm. Mặc dù lực lượng QLTT thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhưng do công tác đào tạo bồi dưỡng hầu như phụ thuộc vào việc gửi tới các trường đào tạo khác, chưa thực sự chuyên sâu vào lĩnh vực QLTT.

“Chương trình đào tạo, bồi dưỡng QLTT mặc dù đã có những đổi mới nhưng vẫn chưa thật sự phù hợp, thiếu kiến thức cơ sở, nền tảng, còn nặng về đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đơn thuần, thiếu kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới”- ông Trần Hữu Linh chia sẻ.

Ông Trần Hữu Linh xác định, đào tạo đại học về QLTT là định hướng chiến lược, quan trọng của lực lượng QLTT giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030; là điều kiện tiên quyết để phát triển lực lượng QLTT theo hướng chính quy - chuyên nghiệp – hiện đại. Do đó, ngay từ khi Tổng cục hoạt động theo ngành dọc, ông Trần Hữu Linh đã đặt vấn đề tìm kiếm mô hình đào tạo đại học chính quy cho lực lượng QLTT. Trong khoảng hai năm qua, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) xây dựng xong chương trình và giáo trình đào tạo chính quy bậc đại học chuyên ngành QLTT.

“Lễ ký kết thỏa thuận đào tạo theo nhu cầu và hợp tác giữa hai bên thực sự có ý nghĩa về phát triển lực lượng, là dấu mốc mang tính lịch sử, đặt nền móng cho đào tạo nguồn nhân lực chính quy của QLTT. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đào tạo nên một lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Đại biểu tham gia lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục QLTT và ĐH Kinh tế Quốc dân

Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế, khoa học công nghệ phát triển mạnh, công nghệ số được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, lực lượng QLTT chỉ có thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao khi có một đội ngũ công chức QLTT đủ lớn với trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản chính quy; biết ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào hoạt động QLTT.

Sẽ có đãi ngộ cho sinh viên diện khá, giỏi

Theo PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trước đây Viện đã từng đào tạo cán bộ hải quan theo các cam kết quốc tế, kiểm soát tốt hàng hóa trong khâu xuất nhập. Tuy nhiên với khâu quản lý hàng hóa lưu thông trong nội địa thì từ trước đến nay chưa có chuyên ngành đào tạo chính quy lực lượng quản lý hàng hóa chuyên nghiệp. Trong thời gian qua, việc tuyển sinh của trường KTQD có thể nói không gặp khó khăn gì vì các ngành kinh doanh thương mại, kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế, hải quan vẫn là những ngành “hot” nhất của toàn trường.

“Từ năm 2021, sẽ có thêm ngành QLTT, tôi hy vọng ngành này sẽ là chuyên ngành hot nối tiếp hoàn thiện hơn vị trí việc làm cho các bạn trong quản lý hàng hóa dịch vụ” – PGS Tạ Văn Lợi chia sẻ.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục sẽ có nhiều lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm trong công tác QLTT có thể tham gia đào tạo, chia sẻ với sinh viên, để ngoài các bài học trong giáo trình, sinh viên cũng sẽ được nghe về các bài học thực tiễn vì với kiểm soát viên thị trường, không chỉ học là đủ mà cần có kinh nghiệm thực tiễn. “Sinh viên của trường có thể thực tập ngay tại các Cục QLTT. Nếu có kinh nghiệm thực tiễn sẽ được ưu tiên làm việc ngay. Ngoài ra, Tổng cục QLTT sẽ có chính sách ưu tiên đối với các bạn sinh viên xuất sắc sau khi ra trường"- Tổng Cục trưởng khẳng định.

Kiên quyết loại bỏ công chức QLTT nhũng nhiễu

Đào tạo chính quy ngành Quản lý thị trường: Bước ngoặt lịch sử ảnh 3Ông Trần Hữu Linh (bìa phải) cùng cán bộ QLTT kiểm tra hàng hóa.

Từ đầu tháng 3- 2020, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng QLTT vẫn duy trì bám sát tình hình diễn biến trên thị trường, thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó góp phần vào việc bình ổn thị trường, ngăn chặn nạn làm hàng giả, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong thời điểm dịch bùng phát.

Cục nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT các tỉnh, TP cũng chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Năm 2020, Tổng cục QLTT đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, nổi cộm, tấn công, triệt phá các đường dây ổ nhóm như: Xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000 m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. Vụ việc này sau đó được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình gửi thư khen, đánh giá là vụ điển hình từ công tác trinh sát, phối hợp các ngành và đấu tranh trên mặt trận mới: Buôn bán hàng giả hàng nhái qua mạng xã hội.

Về nhiệm vụ năm 2021, Tổng cục QLTT đánh giá hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn. Vì vậy, lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; tập trung vào nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền.

Tiếp tục tập trung triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, QLTT sẽ rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; coi trọng công tác xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm