“Ngành nào cần thì chúng tôi mở”
GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, trường bị “oan” bởi tên của trường. Ông ví dụ, “trường ĐH Duy Tân cũng được Bộ GDĐT cấp phép đào tạo ngành Y, Dược trước cách đây mấy tháng. Với một trường đại học, việc xin mở ngành là bình thường. Chúng tôi cũng nhiều lần xin mở ngành, nhưng riêng việc trường chúng tôi được cấp phép mở ngành Y, Dược thì nhiều người xôn xao, lo chúng tôi không đủ điều kiện đào tạo, lo chúng tôi vì lợi nhuận, cho rằng chúng tôi ngoại đạo”.
GS Trần Phương còn khẳng định, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ không hề “ngoại đạo” trong ngành Y, có chăng chỉ là Ban Giám hiệu không có chuyên môn Y, nhưng Ban chủ nhiệm Khoa thì đều là những GS, TS có kinh nghiệm trong đào tạo Y, Dược.
Ảnh minh họa một giờ học của sinh viên ngành y
Trong họp báo, Nhà trường cho biết đã bố trí giảng viên, cơ sở vật chất sẵn sàng cho 2 năm đầu đào tạo, có 47 giáo viên cơ hữu cho 2 ngành. Như vậy, theo quy định của Bộ Y tế yêu cầu 50 người, nhưng trường mới có 47, GS Phương cho rằng để dùng 50 người này phải trong 6 năm mới dùng đến, nên dần dần trường sẽ mời tiếp.
Riêng về trang thiết bị, trong báo cáo của Hội đồng thẩm định có đồng chí nói là vẫn chưa đủ. Theo nhà trường lí giải, nếu mua để 5 – 6 năm nữa mới dùng thì sẽ hỏng, nên nhà trường mua cho hai năm đầu đã, rồi từ năm thứ 3 trở đi sẽ mua dần.
Về cơ sở vật chất, nhà trường đã có 28 phòng thực hành tại chỗ đã sẵn sàng dùng cho 2 năm trước mắt. Còn bệnh viện riêng để thực hành thì nhà trường đang nghiên cứu để xây dựng sau.
Chỗ sinh viên thực tập, theo Bộ Y tế, phải có bệnh viện từ loại 1 trở lên, chúng tôi đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện là bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Đông, Đống Đa, Tràng An và 2 công ty Dược phẩm TƯ 1, Dược phẩm DGC.
Nói về việc cần nhà xác để sinh viên học tập, nghiên cứu, đại diện nhà trường cho hay hiện nay, chỉ có hai cơ sở đào tạo Y dược lớn cả nước mới có nhà xác, còn các trường khác chủ yếu thực tập trên mô hình.
Không quan trọng về chất lượng đầu vào bằng đào tạo
Ngay sau khi có quyết định mở ngành của Bộ GDĐT, nhà trường cho biết sẽ tuyển sinh ngay trong đầu năm 2016. Tổ hợp các môn xét tuyển gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh, 4 môn đó chọn lấy 3 môn để đào tạo Y và Dược.
Về điểm nhận hồ sơ, nhà trường đang đề nghị lấy điểm nhận hồ sơ từ 20 điểm trở lên, sau đó chọn từ cao xuống thấp. Trước nhiều ý kiến cho rằng, điểm đầu vào đã thấp e rằng sẽ không cho ra "lò" một đội ngũ bác sĩ chất lượng cao, Ban Giám hiệu trường, Ban Chủ nhiệm khoa cũng một mực cho rằng: “Đầu vào không quan trọng lắm. Vấn đề là quá trình đào tạo và quá trình học của sinh viên”.
“Tôi thấy để đạt được 20 điểm với học sinh phổ thông phải học nghiêm túc mới đạt được. Để ra trường, ít nhất một sinh viên học ĐH 4 năm phải thi 50 - 60 lần mời đạt được đầu ra. Chỉ cần 1 học phần không đỗ thì chưa được cấp bằng tốt nghiệp. Nên tôi cho rằng, đầu vào 20 điểm là chọn được sinh viên nghiêm túc, giỏi hay không còn phục thuộc vào quá trình sinh viên phấn đấu và quá trình dạy. Vì phải mất 6 năm mới đào tạo được một bác sĩ”, GS Trần Phương lí giải.
Theo TS Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An: “Ngành Y rất đặc biệt, nếu đào tạo không đảm bảo chất lượng, ngay lập tức sẽ gây hậu quả. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nên làm tốt ngành chính của mình”. |
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM nhận định, xét tuyển từ 20 điểm vào ngành Y là thấp, ít ra cũng phải từ 24 điểm.
"Các nghiên cứu cho thấy, sinh viên ngành Y Dược đòi hỏi có thành thích học tập tốt, với khối lượng và cường độ công việc khá cao... Nếu lấy điểm đầu vào quá thấp, sinh viên nhiều khả năng không đạt được năng lực cần thiết của bác sĩ và dược sĩ", ông Dũng nói.
Còn TS Sái Công Hồng nêu quan điểm, điều kiện mở ngành Y phải có đặc thù riêng, dựa trên 3 yếu tố: Chất lương sinh viên đầu vào, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Trong đó, nguồn tuyển cũng là yếu tố quan trọng.
"Hiện nay có những thí sinh được 27 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội, vậy một đơn vị tuyển sinh ngành Y Dược chỉ lấy 20 điểm liệu có đảm bảo chất lượng đầu ra?", ông Hồng nói.
Theo Huyền Nguyễn (NLĐ)