Đất đá, xà bần lấn chiếm sông Hàn: Khối lượng quá lớn, không thể dọn trong 1 ngày

(PLO)-Vì khối lượng đất đá, xà bần tràn xuống bờ sông Hàn quá lớn nên cơ quan chức năng chưa thể hoàn thành dọn dẹp chỉ trong một ngày.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-4, ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) thông tin, về cơ bản đã dọn dẹp sạch sẽ bề mặt bên trên khu đất đá, xà bần cạnh chân cầu Trần Thị Lý sau khi thành phố chỉ đạo liên quan đến việc phản ánh xà bần, đất đá tràn xuống sông Hàn vào ngày 5-4 vừa qua.

Video: Đất đá, xà bần lấn chiếm sông Hàn: Khối lượng quá lớn, không thể dọn trong 1 ngày

“Trước mắt, quận đã yêu cầu đơn vị thi công phải tổng lực đưa xe tải đến chở đi phần đất đá, xà bần ở đây theo chỉ đạo của thành phố. Vì khối lượng đất đá lớn mà thời gian chỉ có một ngày nên mới dọn dẹp được phần mặt trên nhếch nhác của bãi đất đá. Còn lại, sẽ làm taluy có độ dốc và báo cáo, xin ý kiến thành phố để trồng cây xanh ở khu vực đất trên”, ông Thanh nói.

hoang-cong-thanh-son-tra.jpg
Ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà thông tin. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Ngoài ra, các phòng, ban của quận Sơn Trà cũng đang tính toán lại khối lượng, chi phí để vận chuyển, xử lý hết toàn bộ đống đất đá, xà bần này.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, trong thời gian đơn vị thi công dọn dẹp, triển khai thực hiện thí điểm phố Đêm du lịch ở khu vực này quản lý không chặt chẽ nên một số người dân lợi dụng để đổ thêm đất vào mở quán hàng buôn bán.

“Quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn đang đề nghị công an vào cuộc điều tra làm rõ hành vi đổ đất, đổ xà bần dọc bờ sông”, ông Hùng nói.

son-tra-xuc-dat.jpg
Bề mặt bên trên nhếch nhác được xúc đưa về bãi tập kết xà bần. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Cũng trong ngày 5 và 6-4, nhiều người dân sau khi nắm bắt thông tin lãnh đạo thành phố xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo nóng về vấn đề đất đá, xà bần lấn chiếm mặt sông Hàn đã ra khu vực nêu trên để theo dõi việc dọn dẹp cụ thể ra sao.

Ông Triệu (72 tuổi, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, ông là người dân sinh sống ở đây hàng chục năm qua. Việc đổ xà bần, giá hạ xây dựng vào vị trí ven sông Hàn này đã xảy ra trong thời gian dài. Vì khu vực này để trống, cây cỏ mọc um tùm, không có hàng rào che chắn nên người dân thường xuyên vất rác, tập kết đất đá gây mất hình ảnh đô thị.

sông hàn
Người dân ra theo dõi việc xử lý đất đá, xà bần sau khi báo phản ánh. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

"Tôi thấy, quận Hải Châu, quận Sơn Trà làm bờ kè sông Hàn rất đẹp, có cây xanh, có hàng rào che chắn nhưng khúc sông này phía quận Ngũ Hành Sơn thì xấu xí. Nếu như làm đẹp như các quận khác thì không ai dám đưa đất đá về đây mà đổ", ông Triệu nói.

Nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực này cũng đồng tình, mong muốn thành phố sớm xử lý triệt để việc đổ trộm đất đá, xà bần xuống sông Hàn, đặc biệt là khu vực chân cầu Trần Thị Lý.

Như PLO đã đưa tin, sáng 5-4, sau khi nhận phản ánh về việc một đoạn sông Hàn dài khoảng 100m bị đất đá, xà bần lấn chiếm mặt sông, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã xuống hiện trường chỉ đạo nóng.

song-han-tran-chi-cuong.jpg
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xuống hiện trường chỉ đạo nóng ngay trong buổi trưa 5-4. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Ông yêu cầu các đơn vị, quận liên quan phối hợp làm rõ nguyên nhân và xử lý, không để đất đá bị trôi xuống sông Hàn khi thuỷ triều lên.

Đồng thời, yêu cầu quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Công an thành phố để quản lý, xử lý các trường hợp về trật tự xã hội tại khu vực này.

song-han.jpg
Một dải đất đá tràn xuống sông Hàn. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Khu vực chân cầu Trần Thị Lý và Công viên mặt đường Chương Dương sẽ được Đà Nẵng tổ chức thí điểm Phố Đêm du lịch với quy mô gồm mặt đất và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi. Thời gian thí điểm từ quý I-2024 đến hết năm 2028.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm