Nhìn nhận về nông dân, nông thôn Campuchia đúng thực chất phải cần một nghiên cứu kỹ lưỡng, bài viết này chỉ mang tính chất một cái nhìn của khách du lịch.
Nhiều loại gạo rất ngon, nổi tiếng
Nói chung là đồng ruộng Campuchia phân bố rất thưa dân cư, bởi cái đất nước bao la ấy với diện tích hơn 181.000 km2 có một nửa là diện tích đồng bằng, mà đến nay chỉ có hơn 14 triệu dân. Trong số này có hơn 80% làm nông nghiệp. Người ta tính rằng nông dân Campuchia sở hữu đến hơn 1 ha đất/người. Thế nhưng Pô Pha, người hướng dẫn đoàn chúng tôi, lại đưa ra một nhận định: “Tiềm năng nông nghiệp của đất nước chúng tôi rất dồi dào nhưng nông dân thì lại rất nghèo, có những vùng thiếu gạo ăn phải sống nhờ vào sự cứu đói của các tổ chức quốc tế”.
Đi trên quốc lộ, đường xuyên Á chúng ta ít khi bắt gặp điện lưới quốc gia, các TP/thị xã/thị trấn nhờ nguồn năng lượng máy phát điện là chủ yếu. Giá điện ở đây đắt hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Thế nên gần 50% nông dân không dùng điện. Ban đêm chúng tôi đi những đoạn đường xa 50-70 km mà không thấy một ánh đèn điện, nông dân Campuchia thắp sáng chủ yếu bằng dầu.
Thời điểm chúng tôi đi là cuối mùa mưa, thỉnh thoảng bắt gặp một phum sóc làm lễ cầu mưa với những nhà sư đang đọc kinh. Đi xuyên ngang đất nước Campuchia, chúng tôi chỉ gặp một vùng đất nhỏ nằm gần Biển Hồ là làm lúa hai vụ. Còn lại đất bỏ trống vào mùa khô cho bò, trâu làm chủ. Trên 90% đất nông nghiệp ở Campuchia chỉ làm một vụ lúa. Rất ít gặp hệ thống thủy lợi, thủy nông. Hầu như nông dân làm ruộng dựa vào thiên nhiên là chủ yếu. Một điều thú vị là đa phần nông dân trồng lúa không xài phân và các loại thuốc hóa học, nguồn phân chủ yếu của họ là phân trâu bò. Thế nên Campuchia sản xuất nhiều loại gạo rất ngon, nổi tiếng. Nhưng vì xuất khẩu không mạnh nên đến mùa thương lái Thái Lan, Việt Nam sang mua và sau đó họ biến thành gạo ngon của Thái bằng nhãn mác Thái. Nhưng nói chung năng suất đất trồng lúa ở đây rất thấp, người làm nông nghiệp không đủ ăn, họ phải xoay qua làm nghề khác trong những tháng mùa khô.
Đi đâu cũng thấy dế, côn trùng được bày bán nhưng không biết có ngon không vì cả đoàn chúng tôi chẳng ai dám mua ăn. Ảnh: PTN
Trâu bò đầy đồng, hoa sen ngút chân trời
Nghề phụ phổ biến nhất ở Campuchia đối với nông dân là nuôi trâu, bò. Chúng tôi không có số liệu ở Campuchia có bao nhiêu triệu trâu, bò. Chỉ thấy trên đồng ruộng đâu đâu cũng có những bầy trâu, bò hàng trăm, ngàn con. Đồng ruộng Campuchia bao la cỡ ấy mà mùa khô không đủ cỏ cho trâu, bò ăn nên chúng rất ốm. Thường vào thời điểm này thương lái Việt Nam sang mua trâu, bò ốm về vỗ béo.
Nông dân Campuchia nuôi trâu, bò để phục vụ cho cày kéo và để bán thực phẩm. Mặt hàng nổi tiếng ở đây là khô bò, khô trâu. Họ bán cho khách du lịch mỗi ký là 20 USD, xem ra rẻ hơn khô trâu ở Việt Nam đến hơn 100.000 đồng tiền Việt. Thế nhưng khô bò ở Campuchia rất thơm ngon, dùng để uống bia là tuyệt diệu.
Một số nông dân khác thì lợi dụng nguồn nước ngọt cạn kiệt của mùa khô để trồng một số nông phẩm như bầu, bí, bắp, dưa… nhưng sản lượng không đáng kể, chủ yếu là tự sản tự tiêu, bởi vì nước ngọt ở Campuchia mùa khô rất quý. Một xóm ấp có chừng 2-3 nhà có cây nước ngọt, đa số phải đào ao trữ nước mà dùng, giống ở Việt Nam đào giếng làng vào đầu thế kỷ 20. Một số nông dân khác thì sống dựa vào vườn cây ăn trái lâu năm như thốt nốt, xoài, mít, sầu riêng… Thời điểm chúng tôi đến là mùa xoài chín rộ. Xóm làng nào cũng thấy có xoài, họ bày bán đầy tại những điểm du khách dừng chân và còn xuất rất nhiều sang Việt Nam. Xoài Campuchia rất ngon, vừa giòn vừa ngọt.
Đa số nông dân còn lại thì dựa hẳn vào thiên nhiên mà sống. Do đất rộng, người thưa nên trong tự nhiên vẫn còn tồn trữ nhiều sản vật, người Khmer nghèo nhất cũng có thể dựa vào sự hào phóng của tự nhiên mà sống theo cách của họ. Tôi trộm nghĩ không có nơi đâu mà có hoa sen nhiều như ở đất nước Campuchia. Hễ nơi nào có ao trũng, nước ngọt là nơi đó có hoa sen. Sen mọc như một loài cây dại, sen nở quanh năm, chúng tôi đi một đoạn là thấy những đầm sen chạy ngút tới chân trời. Hoa sen nở làm hồng một góc trời, nhìn cứ tưởng đó là chốn thiên thai. Mùa này những người Khmer nghèo vào những đầm sen hoang ấy mà khai thác ngó sen, hạt sen, hoa sen để đem bán. Hai bên đường đầy những túp lều bán sen cho du khách.
Tương tự sen, tôm cá, thú rừng còn lại trong tự nhiên cũng rất nhiều. Tôm ở Biển Hồ Campuchia giống con tép bò ở Việt Nam nhưng lớn hơn một chút. Còn cá nước ngọt thì vô số và rất to, những con cá lóc nặng 5-7 kg. Nhiều người Khmer đi chài lưới và có cả xiệt điện để thu cá đem bán. Cá bán không hết thì họ làm khô, bán đầy ở ven các trục lộ. Giá 1 kg khô cá lóc rất ngon, chỉ không đầy 200.000 đồng tiền Việt. Người Campuchia làm mắm rất nhiều.
Nhiều dế đến phát khiếp
Xe chúng tôi dừng lại một cái chợ thuộc tỉnh Kong Pong Thom, đây là một khu chợ nổi tiếng trong các tour du lịch Campuchia, được mệnh danh là chợ côn trùng. Quan sát một vòng chợ mới thấy chim thú hoang dã ở Campuchia còn nhiều lắm. Vịt trời là thứ gần như tuyệt chủng ở Việt Nam nhưng tại chợ côn trùng, người ta khìa vàng lên và bán đầy với giá rất rẻ. Ở đây cũng có bán cả chim giang sen, chằng bè… Đặc biệt chợ bán rất phong phú những mặt hàng như dế chiên, ếch nhái, ễnh ương chiên và có cả bò cạp chiên. Người hướng dẫn du lịch nói rằng ở Campuchia dế nhiều đến phát khiếp. Một người có thể bắt một đêm cả tấn dế. Họ bắt bằng cách đào một cái hầm, trải cao su rồi đổ nước có nêm sẵn đường, bột ngọt, muối vào trong đó, sau đó họ bật một bóng đèn neon màu lên, dế thấy ánh đèn cứ lao vào hố ấy rồi uống cái thứ nước đã nêm nếm sẵn. Cứ thế người ta bắt lên chiên dầu rồi đem bán. Thấy màu của các mặt hàng côn trùng cứ vàng ánh nhưng không biết có ngon không vì cả đoàn chúng tôi chẳng ai dám mua ăn.
Thế nên dù nông dân Campuchia làm ruộng không đủ ăn, không có nghề nghiệp khác cũng có thể mò cua bắt ốc mà sống.
Cội nguồn cái nghèo của nông dân Campuchia còn bởi một căn nguyên nữa. Thời Pôn Pốt, 1/3 dân số bị diệt chủng, số còn lại thì bị ảnh hưởng nặng nề. Phần lớn nông dân bị đưa đi vùng này, tỉnh khác rồi bị giết, đến khi con cái họ lớn lên không biết cội rễ, gốc gác, đất đai tổ phụ ở đâu. Cho nên nhiều nông dân sau thời Pôn Pốt phải dựng nghiệp từ đầu bằng con số 0 và không có thân nhân để giúp sức, vì thế họ vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo. |