Đất vàng sân Hàng Đẫy: Sao không đấu thầu?

Mấy ngày qua dư luận quan tâm về dự án tổ hợp thể thao sân vận động (SVĐ) Hàng Đẫy sẽ được xây dựng hoành tráng để phục vụ SEA Games 31. Đáng chú ý, nhiều người thắc mắc về việc Hà Nội đề xuất giao khu đất SVĐ Hàng Đẫy với tổng diện tích 3,2 ha ở vị trí đắc địa cho Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) theo cơ chế đặc thù, đặc biệt không qua đấu thầu.

Sao không đấu thầu công khai?

Theo các chuyên gia, bản chất của dự án này là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hình dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Ngày 4-5-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018 với mong muốn chấm dứt tình trạng chỉ định thầu đối với các dự án BOT, BT. Vì việc chỉ định thầu đã dẫn đến hàng loạt bất cập như lợi ích nhóm, tính giá công trình không sát, năng lực nhà đầu tư không đảm bảo, chất lượng công trình kém, nguy cơ thất thoát…

Tuy nhiên, trong đề xuất trên, Hà Nội lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận cơ chế triển khai dự án theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư (Điều 32) mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai. Báo cáo của Hà Nội cũng nêu rõ “nhà đầu tư được phép triển khai thủ tục quyết định chủ trương đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T”. Theo đó, nếu được chấp thuận thì T&T sẽ trở thành “nhà thầu duy nhất” triển khai dự án này.

Trước đề xuất trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao Hà Nội không có ý định tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà thầu có năng lực, xây dựng công trình chất lượng với chi phí hợp lý nhất… Phải chăng đề xuất của Hà Nội nhằm lách quy định tại Nghị định 63/2018?

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), cho rằng việc giao đất công cho doanh nghiệp cần được xem xét ở mọi yếu tố. TP nên cân nhắc, giải trình rõ ràng về vấn đề này.

“Các dự án như thế này phải thực hiện theo nguyên tắc công khai thông qua đấu thầu, tránh việc có lợi ích nhóm. Quan trọng hơn dự án phải được lấy ý kiến chuyên gia xây dựng, quy hoạch và người dân, trên cơ sở đó tính toán xem chi phí dự án này bao nhiêu, hiệu quả dự án ra sao” - ông Doanh nói.

Sân vận động Hàng Đẫy được đề xuất xây ba khu: Sân vận động, nhà thi đấu đa năng và văn phòng. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Các chuyên gia: Cần đấu thầu công khai

Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, cho rằng việc xây dựng khu liên hợp thể thao phục vụ SEA Games là việc cần thiết nhưng nên chọn địa điểm xây dựng cho phù hợp, có nhất thiết phải ở khu vực Hàng Đẫy? “Vấn đề tôi băn khoăn là hiệu quả dự án và không thông qua đấu giá. TP không thể chỉ định nhà thầu ở một khu đất được xem là đất vàng, có vị trí đắc địa như SVĐ Hàng Đẫy. Nếu không làm sáng tỏ vấn đề này sẽ khiến dư luận băn khoăn nhiều về lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân” - ông Long nói.

Theo ông Long, chính quyền Hà Nội cần lấy ý kiến người dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. “Chưa kể khu đất này nằm gần với Khu di tích quảng trường Ba Đình, Văn Miếu, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến không gian lịch sử, văn hóa,… của thủ đô” - ông Long quan ngại.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, có ý kiến hoan nghênh việc giao cho tư nhân phát triển dự án với mục đích cải tạo SVĐ Hàng Đẫy thành một khu liên hợp thể thao hiện đại, tầm vóc. Đây là chủ trương đúng đắn vì thực tế cho thấy tư nhân sẽ khai thác triệt để tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, ông Liêm cũng đề nghị nên tổ chức đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư, tức tuân thủ theo cơ chế thị trường chứ không nên theo cơ chế thỏa thuận ngầm dễ phát sinh tình trạng móc ngoặc, lợi ích nhóm.

“Ở đây TP nên đưa ra đề bài cải tạo, ví dụ: Tôi có miếng đất như thế, tôi muốn giữ làm SVĐ, còn xung quanh anh làm gì thì tùy. Theo đề bài đó, doanh nghiệp nào đưa ra dự án hay nhất, có lợi nhất, nộp tiền cao nhất hằng năm về cho Nhà nước thì TP chọn. Còn ở đây theo đề xuất của Hà Nội thì chỉ giao cho một doanh nghiệp, không biết họ tính toán bao nhiêu năm là đủ, chả ai biết được, các vị thỏa thuận ngầm với nhau thế thôi” - ông Liêm nhận định.

Xin cơ chế đặc biệt, giao đất không qua đấu giá

Vào đầu tháng 10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng dự án tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy. Theo đó, dự án được xây dựng trên tổng diện tích 3,2 ha, vốn đầu tư dự kiến để thực hiện dự án là 6.309 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Điều đáng chú ý, Hà Nội đề nghị giao hơn 3,2 ha đất này cho Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) theo phương thức đặc thù, đặc biệt, tức hình thức khác theo quy định tại Điều 7 Nghị định 167/2017. Qua đó, Tập đoàn T&T sẽ tự thu xếp 100% vốn đầu tư, đổi lại doanh nghiệp này được khai thác, vận hành công trình trong thời gian 50 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm