Ông Erik Norland, Giám đốc điều hành, Chuyên gia kinh tế trưởng CME Group cho biết, giá vàng được xem là dự báo tốt cho lạm phát và lãi suất.
Bằng chứng, những pha tăng giảm của vàng đều xuất phát từ kỳ vọng của giới đầu tư đánh giá triển vọng lãi suất và lạm phát trong tương lai.
Dù vậy, lạm phát không phải là nhân tố đẩy giá vàng trong thời gian qua. Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang đóng vai trò quan trọng trong việc giữ giá vàng tăng ổn định. Nguyên nhân, các ngân hàng này đang mua vàng rất nhiều để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, qua đó, đã tác động đến giá vàng.
"Các ngân hàng trung ương cũng đang xem vàng như là một loại tiền tệ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất âm diễn ra trên toàn cầu đã khiến họ ưu ái vàng, một tài sản phòng thủ tốt trước các rủi ro tài chính, hơn là các loại tiền tệ do chính ngân hàng trung ương phát hành" - ông Erik Norland.
Theo ông Erik Norland, sức mua vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn tiếp diễn trong năm 2024, mà điều này sẽ tác động đến giá vàng trong dài hạn.
Dù vậy vàng vẫn có điểm yếu. Vàng là tài sản không được trả lãi. Do đó, giá vàng thường biến động ngược chiều với triển vọng tăng lãi suất. Cụ thể, trong năm 2021 và 2022 khi Mỹ tăng lãi suất từ 0 lên 5,375% đã khiến giá vàng lao dốc mạnh.
Phiên giao dịch hôm nay (24-1), giá vàng thế giới chạm mức 2.027 USD/ounce, tương đương 60,6 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ và SJC lần lượt bán ra thị trường là 64,10 và 76,50 triệu đồng/lượng.