Ngày 14-7, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có cuộc họp quan trọng với Chính phủ và các bộ ngành để tháo gỡ các vướng mắc trong việc giải ngân đầu tư công tại địa phương.
3 nút thắt của Bình Thuận
Tại cuộc họp vào sáng cùng ngày ở Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết, 5 năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Bình Thuận đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tỉnh đã đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra, văn hóa xã hội, an ninh chính trị được bảo đảm.
Tuy nhiên, KT-XH của tỉnh Bình Thuận vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại và giao thông đối nội. Sự chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan với các quy hoạch phát triển KT-XH khác đã và đang là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng chưa vững chắc, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Tái cơ cấu kinh tế còn chậm...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ ba nút thắt, điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh Bình Thuận.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết
Theo đó, hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất, cản trở Bình Thuận vươn lên. Là tỉnh có rất nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, nhưng Bình Thuận hiện gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng. Đường bộ chất lượng còn thấp, không đủ năng lực để nâng cao năng lực vận tải. Cảng hàng không Phan Thiết tuy đã được khởi công từ lâu nhưng chậm được triển khai vì còn nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục.
Nút thắt thứ hai về quy hoạch, hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư, không tạo ra được các sản phẩm, giá trị gia tăng trong quá trình đầu tư. Trong đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay của tỉnh là việc nhiều khu vực bị vướng quy hoạch khai thác titan, dự trữ khoáng sản nên không thể phát triển các dự án khác.
Trong khi đó, giá quặng titan trên thị trường hiện rất thấp, tồn kho lớn. Thực tế tại nhiều địa điểm quy hoạch titan có lợi thế rất lớn về du lịch, dịch vụ, nếu đầu tư sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với khai thác titan.
Bình Thuận hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giải ngân đầu tư nói chung, đặc biệt là đầu tư công. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực và có kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận triển khai lập Quy hoạch một cách chặt chẽ, khoa học, bảo đảm nguyên tắc phù hợp giữa các quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ các công trình, dự án ưu tiên để huy động nguồn vốn đầu tư.
Tháo gỡ nút thắt về cơ chế
Về những kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ cùng với tỉnh Bình Thuận để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công đã bố trí cho địa phương.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Đường cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây dài 160,3 km, hồ thuỷ lợi Sông Luỹ. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án Cảng hàng không Phan Thiết.
Được biết, Cảng hàng không Phan Thiết là 1 trong 15 cảng hàng không quốc nội trên toàn quốc, có quy mô cấp 4E, với vai trò vừa là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp I). Dự án có tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay địa phương đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ mặt bằng sân bay 543 ha và đài dẫn đường xa 2,56 ha. Đồng thời, bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức quản lý 399,96 ha và bàn giao 145,6 ha diện tích đất khu hàng không dân dụng cho nhà đầu tư BOT. Nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công công trình.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện UBND tỉnh Khánh Hòa và Bộ Quốc phòng đã thống nhất các phương án bán đấu giá khu đất sân bay Nha Trang cũ, tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết ở tỉnh Bình Thuận.