Các đại biểu nêu những bất cập về chính sách phát triển, quản lý nhà ở xã hội (NƠXH) và kiến nghị các một vài biện pháp thúc đẩy, phát triển.
Hai vấn đề vướng mắc chính
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, nêu rõ chính sách về phát triển, quản lý nhà ở xã hội (NƠXH) để bán, cho thuê, cho thuê - mua là một nhóm chính sách quan trọng trong sửa đổi luật.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, qua nghiên cứu cho thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo luật chưa thể hiện "trúng", xử lý đúng vướng mắc trong thực tiễn.
Ông Hiển nêu hai vấn đề vướng mắc chính, cụ thể, chính sách mà dự thảo đang đi theo hướng cố gắng bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách được hưởng sở hữu NƠXH thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp.
Ông nói chính sách và điều khoản trong dự thảo luật nhà ở dường như đang hướng đến mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu nhà ở xã hội nhưng thực tế người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình.
Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp, vì vậy việc mua, sở hữu một căn hộ, dù là nhà ở trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn.
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng). Ảnh: QH |
Do vậy, nếu gắn mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả người dân khai man các điều kiện như thu nhập, diện tích để hưởng lợi mua nhà ở xã hội giá thấp hoặc người có tiền mượn tên công nhân mua đăng ký để đầu cơ, làm cho NƠXH không phục vụ đúng đối tượng, mất ý nghĩa.
Bất cập thứ hai, theo ông Hiển, không tách bạch phát triển NƠXH với quản lý, vận hành nhà ở xã hội. Quá chú trọng đến các ưu đãi cho bên cung tức là nhà đầu tư hơn là các ưu đãi cho bên cầu, tức là người có thu nhập thấp.
Nhiều nội dung của dự thảo có liên quan NƠXH đều tập trung giải quyết vướng mắc, tăng ưu tiên cho chủ đầu tư. Cho dù các chủ đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn vào bức tranh chung vẫn thấy sự chênh lệch giữa ưu đãi bên cung và bên cầu.
Các chủ đầu tư được ưu đãi vốn, lãi suất thấp, thời gian vay dài, được miễn, giảm thuế đất đai còn người mua nhà được nhận ưu đãi lớn nhất là mức giá nhà thấp. Giá thấp thì dẫn đến các hệ quả.
Hệ quả của chính sách trên dẫn đến chủ đầu tư thường lựa chọn phân khúc dễ làm hơn là đầu tư nhà ở xã hội để bán, thu hồi vốn nhanh hơn mà ít chủ đầu tư quan tâm đến quản lý, vận hành nhà ở xã hội, cho thuê NƠXH vì phân khúc này khó làm, thu hồi vốn chậm.
Ông đề nghị chính sách về NƠXH cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.
Với định hướng đó, NƠXH phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển NƠXH với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư NƠXH để cho thuê.
Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành NƠXH, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan NƠXH cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách, cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành NƠXH.
Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.
Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội.
Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với NƠXH sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận NƠXH.
Đề xuất mở rộng khái niệm NƠXH
Liên quan nội dung NƠXH, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho hay trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 đã ghi rõ phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các KCN. Từ đó tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) Ảnh: QH |
Do vậy, dự thảo luật cần làm rõ hơn, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, ông Lâm đề nghị cần mở rộng khái niệm NƠXH theo hướng tránh quan niệm đây là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân, cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua và nhất là với vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận.
"Quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội, nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Trong đó, Nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội" - ông Thành nói.