ĐBQH kỳ vọng Nghị quyết mới gỡ điểm nghẽn cho TP.HCM

(PLO)- Cần trao cho TP.HCM cơ chế vượt trội để TP tiếp tục là “đầu tàu” dẫn dắt kinh tế cho cả vùng, cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay (26-5), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trao đổi bên hành lang QH, các ĐBQH đều ủng hộ QH sớm ban hành nghị quyết này nhằm giúp TP có thêm động lực phát triển, từ đó đóng góp cho sự phát triển của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Đầu tàu” kinh tế TP.HCM cần tiếp thêm động lực

ĐB Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, nhìn nhận bối cảnh kinh tế của TP.HCM hiện có rất nhiều khó khăn, thách thức. TP đang có nhiều “điểm nghẽn” làm mất đi các cơ hội phát triển, chính vì vậy TP.HCM đang rất cần những động lực đột phá để vươn mình lớn mạnh.

ĐB Hạnh cho hay điểm nổi bật của dự thảo nghị quyết lần này là các cơ chế, quyết sách không dừng ở mức “thí điểm” mà đã được nâng tầm, cụ thể hóa thành những công cụ pháp lý rõ ràng, giúp giải quyết tốt hơn những vướng mắc lâu nay của TP.HCM. Đó là những vấn đề về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và môi trường; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; công tác quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng chính quyền đô thị hay phương thức phát triển TP Thủ Đức…

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ về sự cần thiết của dự thảo nghị quyết mới phát triển TP.HCM. Ảnh: QH

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ về sự cần thiết của dự thảo nghị quyết mới phát triển TP.HCM. Ảnh: QH

“Tôi tin tưởng với những điểm đột phá này, TP.HCM sẽ được tiếp thêm động lực để bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và cả vùng” - ĐB Hạnh nói.

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lại cho rằng TP.HCM vốn năng động, có tốc độ phát triển khá tốt nhưng tăng trưởng vừa qua ở cuối bảng trong các tỉnh, thành trên cả nước. “Điều này không phải hoàn toàn do năng lực của TP, mà do hiện đã xuất hiện nhiều điểm nghẽn bó buộc sự phát triển của TP. Vì vậy, TP.HCM đang rất cần cơ chế đột phá để “cởi trói”” - ĐB Cường nói.

Ông Cường cho hay phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành tại Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cản trở sự phát triển của TP.HCM cũng được đưa ra thảo luận trong quá trình sửa đổi các luật liên quan và chưa được QH thông qua.

Dự thảo nghị quyết trình QH lần này bao gồm các cơ chế, chính sách đang được triển khai theo Nghị quyết 54 cũng như một số chính sách đã được cho áp dụng với các tỉnh, TP gần đây. Đồng thời, cũng có một số chính sách đang được đưa ra trong quá trình sửa đổi các dự án luật liên quan.

“Nói cách khác, trong dự thảo nghị quyết lần này không phải cơ chế, chính sách đặc thù nữa mà là một khung khổ pháp luật để TP “đi trước, hành động trước”” - ĐB Cường nhấn mạnh và tin tưởng nghị quyết mới sẽ phần nào giúp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của TP.HCM.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tin tưởng nghị quyết mới khi được ban hành sẽ giúp TP.HCM tiếp thêm động lực tăng trưởng trở lại. Ảnh: QH
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tin tưởng nghị quyết mới khi được ban hành sẽ giúp TP.HCM tiếp thêm động lực tăng trưởng trở lại. Ảnh: QH

Nghị quyết tiếp thêm động lực tăng trưởng cho TP.HCM

Cũng theo ĐB Hoàng Văn Cường, TP.HCM là địa phương đặc biệt, có đội ngũ cán bộ, người dân, doanh nghiệp năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm. Do vậy, lúc này rất cần một nơi thực sự năng động, có năng lực cụ thể hóa chủ trương này của Đảng.

“Hãy cho TP.HCM được phép thực hiện cơ chế và chủ động triển khai các chính sách, biện pháp mà TP tin tưởng sẽ có hiệu quả, thúc đẩy tiềm năng riêng có của mình và chúng ta kiểm soát để bảo đảm việc triển khai thực hiện một cách minh bạch, công khai với trách nhiệm giải trình rõ ràng” - ông Cường nói thêm.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá thời gian qua TP.HCM có sự “chùn bước” trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, lúc này cần phải trao cho TP.HCM một cơ chế tương thích, đặc biệt, vượt trội, giúp TP phát huy được toàn bộ thế mạnh, tiếp tục là “đầu tàu” dẫn dắt kinh tế cho cả vùng, cả nước.

“Cá nhân tôi rất mong QH sớm ban hành nghị quyết này. Tôi tin rằng nghị quyết sẽ giúp TP.HCM tiếp thêm động lực tăng trưởng trở lại” - ĐB Hòa nói.

“Dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá”

Trước đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH chính thức hoàn thành báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của QH thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Dự thảo nghị quyết có hai nhóm chính sách với 44 nội dung cụ thể. Nhóm thứ nhất là các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng cho các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo luật trình QH. Nhóm thứ hai là các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo nghị quyết với bốn nhóm vấn đề gồm đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

“Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền TP nghiên cứu, xây dựng dự thảo công phu, tâm huyết, cầu thị, nghiêm túc” - báo cáo thẩm tra nêu rõ và đánh giá dự thảo nghị quyết bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, đồng thời tích hợp một số chính sách mới tương đồng với chính sách đặc thù của các tỉnh, TP đã được QH cho phép áp dụng là Khánh Hòa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ...

Cơ quan thẩm tra nhìn nhận nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách nêu trên sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới.

Cũng theo cơ quan này, dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá, như đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). “Cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách song cũng chỉ ở quy mô hẹp” - cơ quan thẩm tra nhận định, đồng thời đề nghị nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ qua giám sát tối cao chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy trên địa bàn TP hiện còn nhiều dự án chậm triển khai qua nhiều nhiệm kỳ. Nguyên nhân do vướng về cơ chế, chính sách, pháp luật gây lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn, như dự án Bình Quới - Thanh Đa, dự án Nam TP… Do vậy, cơ quan giám sát đề nghị rà soát, cùng với việc thí điểm cơ chế đặc thù cần đề xuất sửa đổi những quy định còn gây vướng mắc, tạo căn cứ pháp lý khơi thông nguồn lực. ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm