Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 5 QH khóa XV

(PLO)- Trong ngày khai mạc, Quốc hội sẽ bàn về công tác nhân sự và nghe Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (22-5), kỳ họp thứ năm Quốc hội (QH) khóa XV bắt đầu ngày làm việc đầu tiên.

QH họp riêng về công tác nhân sự

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, QH sẽ nghe lãnh đạo chính phủ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo trên của Chính phủ.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH Dương Thanh Bình trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư QH khóa XV.

Đáng chú ý, QH sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày đầu làm việc để họp riêng về công tác nhân sự.

Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày đầu làm việc để họp riêng về công tác nhân sự. Ảnh: TTXVN

Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày đầu làm việc để họp riêng về công tác nhân sự. Ảnh: TTXVN

QH cũng dành thời gian nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ năm QH khóa XV.

Làm rõ nguyên nhân vẫn có nhiều vụ tham nhũng

Trước phiên khai mạc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gửi đến QH báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân tin tưởng và đánh giá công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt.

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã khẩn trương hơn trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Công ty AIC, sai phạm trong phát hành trái phiếu của một số tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới...

“Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có mặt thuyên giảm” - báo cáo nêu.

Cũng theo báo cáo, cử tri và nhân dân đồng tình với quan điểm của Đảng trong xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm theo hướng khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức... “Đây thực sự là những quy định nhân văn, nhân đạo đối với những người vi phạm...” - báo cáo nêu.

Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ lo lắng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều địa phương chậm chuyển biến... và đề nghị làm rõ nguyên nhân. Các cơ quan vẫn tiếp tục phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên một số lĩnh vực như trong quản lý đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm…

Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, gây cản trở, làm chậm sự phát triển của đất nước.

“Đây cũng là biểu hiện của 19 hành vi tiêu cực trong Hướng dẫn số 25 HD/BCĐTW, cần kiên quyết xử lý theo quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” - báo cáo nhấn mạnh.

“Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, mọi thứ tốt lên, chứ không thể đổ lỗi vì sợ, không dám làm” - báo cáo cho biết.•

Dự kiến tuần này trình QH dự thảo nghị quyết mới về phát triển TP.HCM

Tại kỳ họp thứ năm, QH sẽ xem xét, thông qua tám dự án luật, ba dự thảo nghị quyết và xem xét, cho ý kiến với chín dự án luật khác.

Ba nghị quyết được xem xét thông qua tại kỳ họp này gồm có Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, dự kiến sẽ được trình vào ngày 26-5 tới để QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm