Chiều 21-10, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Quỹ Châu Á, Quỹ UPS tổ chức Diễn đàn "Tác động hạn mặn đến phát triển kinh tế và doanh nghiệp (DN) đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – các giải pháp thích ứng".
Bà Nguyễn Thị Phương Linh – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ báo cáo kết quả khảo sát tại Diễn đàn chiều 21-10. Ảnh: NHẪN NAM |
Tại đây, bà Nguyễn Thị Phương Linh – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ báo cáo kết quả khảo sát về tác động hạn mặn đến doanh nghiệp ĐBSCL.
Theo bà Linh, ước tính trong 9 tháng đầu năm nay, thiệt hại của Việt Nam trước tác động của BĐKH lên đến khoảng 9.000 tỉ. Bà cho rằng nói con số 9.000 tỉ có thể nó không có ý nghĩa nhưng so với ngân sách của một địa phương thì đó là ngân sách của một trong những địa phương đứng đầu vùng ĐBSCL.
Bà Linh cho biết, khảo sát được thực hiện với 113 DN ở những địa phương chịu tác động lớn của hạn mặn ở ĐBSCL và sản xuất trong ngành nông nghiệp.
Theo đó, có gần 90% DN có quan tâm vấn đề tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và hạn mặn, gần 90% DN cho rằng hạn mặn tác động nghiêm trọng, gần 23% cho rằng tác động rất nghiêm trọng.
73% DN cho rằng hạn mặn tác động chủ yếu vào vùng nguyên liệu, còn vấn đề tài chính, nguồn nhân lực bị tác động rất ít.
Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, VCCI Cần Thơ tham quan hội chợ sản phẩm, giải pháp thích ứng BĐKH bên lề Diễn đàn. Ảnh: NHẪN NAM |
Đâu là tổn thương dưới tác động của hạn mặn? Bà Linh cho biết, có 53% DN cho rằng mất mùa, giảm chất lượng nguyên vật liệu đầu vào, dẫn đến giá hàng hóa nguyên liệu tăng cao, gián đoạn quá trình sản xuất do mưa bão…
Tác động của hạn mặn ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng chất lượng, thiếu hụt, dẫn đến chi phí sản xuất doanh nghiệp tăng, doanh thu giảm (65% ý kiến), 9% DN cho rằng giảm doanh thu rất nghiêm trọng.
Cũng theo khảo sát, hầu hết các DN đã có phương án thích ứng, xây dựng chiến lược nhưng đầu tư cho hạn mặn thì còn rất ít DN làm…
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng trao đổi về các vấn đề ĐBSCL đang đối mặt dưới tác động của BĐKH và đề xuất các giải pháp chủ động thích ứng với BĐKH và hợp tác phát triển bền vững vùng ĐBSCL.