Để cấp khai sinh "3 trong 1" không cần chứng minh chỗ ở hợp pháp

(PLO)- Để thực hiện dịch vụ công liên thông trực tuyến cần hoàn chỉnh dữ liệu dân cư, dữ liệu của ngành để người dân đỡ phải nhập thông tin trên các tờ khai, hồ sơ trên môi trường điện tử. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết một năm thực hiện việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị bãi bỏ việc yêu cầu công dân đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi thực hiện hai thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi vì yêu cầu này Luật Cư trú không có quy định, trái với Luật Cư trú.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tư pháp tháo gỡ đối với các trường hợp giấy khai sinh công dân có sử dụng ký tự đặc biệt hay giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng phần quốc tịch bỏ trống hoặc không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam.

Đồng bộ cơ sở dữ liệu tiện cho người dân và cán bộ giải quyết

Liên quan đến công tác giải quyết dịch vụ công liên thông trực tuyến đối với nhóm thủ tục liên thông điện tử đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết dịch vụ công trực tuyến là mục tiêu mà chuyển đổi số Quốc gia hướng đến. Việc giải quyết thủ tục hành chính liên thông trực tuyến này không những mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính nhà nước, khắc phục tình trạng trẻ em đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu hoặc cấp thẻ BHYT,… mà còn giúp người dân tiết kiệm công sức, chi phí và thời gian đi lại.

chứng minh chỗ ở hợp pháp
Người dân đến UBND phường 5, quận Gò Vấp thực hiện thủ tục đăng ký dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Theo ông Dũng, giai đoạn đầu thực hiện liên thông giải quyết các thủ tục trên, địa phương cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như: khi người dân nộp hồ sơ và được UBND phường cấp giấy khai sinh bản điện tử chuyển đến Công an phường để thực hiện đăng ký thường trú, nhưng số trường hợp được giải quyết còn thấp. Đa phần chỉ có thể hoàn thành được hai bước là đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em. Đối với đăng ký thường trú thì qua xác minh ở cơ quan công an phát hiện địa chỉ kê khai là nhà đã bán hoặc nhà bị giải tỏa đi nơi khác nhưng người dân vẫn còn hộ khẩu tại đây hoặc có nhà tại địa phương nhưng đang tạm trú ở địa phương khác; không đúng chủ sở hữu thì không thể nhập khẩu vào địa chỉ đó...

“Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công liên thông điện tử thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị, địa phương trong việc hoàn chỉnh và làm giàu dữ liệu dân cư, dữ liệu của ngành để người dân đỡ phải nhập thông tin trên các tờ khai, hồ sơ trên môi trường điện tử.

Các cơ quan xây dựng phần mềm liên thông trực tuyến tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phần mềm liên thông để người dân dễ hình dung, dễ thao tác và ít thao tác. Khi cơ sở dữ liệu hoàn thiện thì việc người dân phải kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi thực hiện hai thủ tục liên thông là không cần thiết” - ông Dũng chia sẻ.

UBND phường kết hợp với công an, giải quyết hồ sơ trực tuyến

Bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận, cho biết hiện tại, khi thực hiện cấp liên thông giấy khai sinh, đăng ký thường trú, BHYT, người dân không cần phải nộp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp bởi vì giữa UBND phường và công an phường sẽ liên thông những trường hợp đó, linh động chuyển hồ sơ trực tuyến để hai bên cùng xử lý.

Việc kiến nghị tháo gỡ các trường hợp giấy khai sinh công dân có sử dụng ký tự đặc biệt hay giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng phần quốc tịch bỏ trống hoặc không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam, bà Hiền cũng cho biết bao giờ Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp cho thực hiện trên phần mềm thì cấp phường mới có thể thực hiện.

“Những dữ liệu cũ không có thì UBND phường phải bỏ trống nên khi cấp ra sẽ không đủ, không đẹp được mẫu mã… Khi nào người dân chứng minh được thời điểm đó và Bộ cho phép điều chỉnh thì mình mới bổ sung lại trên hồ sơ lưu của kho dữ liệu rồi điều chỉnh, còn hiện nay thì chưa điều chỉnh được” - bà Hiền nói.

Lãnh đạo UBND một phường của quận Phú Nhuận nêu ý kiến: Khi người dân sử dụng tài khoản VneID đăng ký dịch vụ công trực tuyến thì mọi thông tin được cập nhật. Khi ấy việc yêu cầu công dân gửi thông tin đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là không cần thiết.

Từ 1-7-2024, tiếp tục liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ BHYT

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2024 quy định việc thực hiện liên thông điện tử hai nhóm thủ tục hành chính là đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.

Tại Điều 5 Nghị định 63/2024 quy định về hồ sơ thực hiện liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo đó, hồ sơ thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi bao gồm các thành phần hồ sơ sau:

1. Tờ khai điện tử (Mẫu số 01 kèm theo Nghị định này).

2. Dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh được liên thông từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì đính kèm các thành phần hồ sơ thay thế theo quy định pháp luật về Hộ tịch.

3. Trường hợp đăng ký thường trú cho trẻ em khác nơi thường trú của cha, mẹ (nếu được cha, mẹ đồng ý) thì đính kèm các thành phần hồ sơ theo quy định pháp luật về cư trú.

Các thành phần hồ sơ trên là bản giấy thì phải thực hiện số hóa theo quy định tại Nghị định 107/2021.

Điều 5 nghị định này cũng quy định người yêu cầu truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ dichvucong.gov.vn) hoặc trên ứng dụng VNeID, lựa chọn mục “Dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử” để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định.

Đối với quy định chuyển tiếp thì kể từ ngày 10-6 đến ngày 1-7-2024, các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, phần mềm nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương phải nâng cấp, hoàn thiện kết nối, chia sẻ, thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Phần mềm dịch vụ công liên thông theo quy định của Nghị định này.

Kể từ ngày 1-7-2024, hồ sơ hai nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử được tiếp nhận, giải quyết theo quy định tại Nghị định 63/2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm