Mục đích ấy không gì khác hơn là phải thu hồi tài sản tham nhũng về cho quốc gia để không chỉ làm tiền đề cho phát triển mà còn thực thi công bằng, cải tạo hệ thống, chống lại những nguy cơ làm đất nước kiệt quệ.
Kê khai tài sản, như tướng Sùng Thìn Cò đã nói, thực ra đã có từ lâu và phải kê khai tới ba đời. Nhưng hiện nay việc kê khai còn mang tính hình thức. Uy tín chức vụ lẽ ra phải là ranh giới đỏ để giữ lại sự trung thực qua những bản kê khai, không làm cho quan chức phải giấu giếm. Nhưng không may nó chỉ được công khai trong một số trường hợp và trước nhân dân dường như nó lại bị biến thành điều bí mật.
Thật không công bằng bởi quan chức, xét cho đến cùng, được trao quyền và thụ hưởng lương bổng từ nhân dân.
Không ai muốn nghèo hèn và dĩ nhiên nhân dân cũng không muốn quan chức, tức đầy tớ của mình, phải sống trong cảnh khốn khó. Nhưng có lẽ nhân dân sẽ vui hơn nếu như sự giàu có mà đầy tớ của mình thụ hưởng thực sự minh bạch, thực sự xứng đáng với cống hiến chứ không phải qua đường “biến của công thành của ông”.
Hẳn nhiên ai là người cũng đều có tham-sân-si. Trong những điều kiện nào đó thì có khi người không muốn tham nhũng cũng động lòng tham. Kiểu “Người thủ quỹ cứ giữ tiền khư khư, ở quỹ lúc nào cũng có số dư cho nên lúc bí quá thì… em mượn một chút. Mượn không thấy ai đòi thì em mượn tiếp”, như một nguyên lãnh đạo cấp cao từng ví dụ trong một lần nói chuyện về vấn đề này.
Có lẽ những lời giải thích mộc mạc, chân thành, thực tế này đã động đến cốt lõi của nan đề tham nhũng: Liêm sỉ. Bởi chỉ có liêm sỉ mới có thể chặn đứng được lòng tham. Chỉ có liêm sỉ mới khiến một con người dám từ bỏ những thứ không thuộc về mình. Chỉ có liêm sỉ mới khiến quan chức biết dứt khoát với những cám dỗ kim tiền có thể biến mình thành… quan tham nhũng.
Sẽ không thể có một hệ thống pháp luật nghiêm khắc nào có thể chặt đứt được tham nhũng một cách triệt để. Bởi dù gì đi chăng nữa thì nó cũng do con người đặt ra và quyền lực vốn là con ngựa bất kham khi không được kiểm soát hoặc các điều kiện kiểm soát không đủ sức quản, trị được nó. Tất nhiên nói như thế chúng tôi không có ý phủ nhận sức răn đe từ lưỡi gươm pháp luật và các công cụ giám sát khác. Nhưng rõ ràng nếu bức thành liêm sỉ của những cán bộ công quyền không tồn tại hoặc quá mỏng manh trong nhận thức thì làm sao mà có “kháng thể” trước tham nhũng.
Cố nhiên kêu gọi sự liêm chính có thể là xa xỉ nhưng không thể có một hệ thống liêm chính nếu liêm sỉ không phải là sợi chỉ đỏ soi tỏ các hành vi của cán bộ trong hệ thống công quyền. Và cũng chỉ có liêm sỉ mới là phương thuốc đặc trị cho tham-sân-si, vốn là con virus cắn nát cả giềng mối quốc gia.
Có liêm sỉ thì quan chức mới không biến của công thành… “của ông”.