Đề nghị giữ kinh phí công đoàn 2%, không quy định cứng tỉ lệ phân phối

(PLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%.

Sáng 24-10, tiếp tục kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Dự thảo luật trình Quốc hội kỳ họp 8 gồm 6 chương với 37 điều, tăng 1 điều mới và chỉnh lý 34 điều so với dự thảo luật trình tại kỳ họp 7.

Một trong những vấn đề lớn của dự thảo luật là còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về kinh phí công đoàn 2%.

2% kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Cạnh đó, có một số ý kiến chưa đồng tình với mức phí này và đề nghị kinh phí công đoàn do tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp theo tinh thần tự nguyện.

Ý kiến này cũng đề nghị không thu kinh phí công đoàn 2% với đơn vị đã có tổ chức đại diện của người lao động khác; quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ kinh phí công đoàn và giao Chính phủ quy định chi tiết…

Giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng kể từ khi có Luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục. Việc duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động và bảo đảm bộ máy hoạt động công đoàn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn kinh phí này cũng giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để Công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động; đặc biệt là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Để phù hợp với thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay dự thảo luật đã bổ sung một số nhiệm vụ chi mới như chi cho công đoàn cơ sở mà tại đó tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn.

Kinh phí công đoàn cũng được dành để chi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động, thiết chế công đoàn chủ yếu từ số tài chính công đoàn tích luỹ của cấp tỉnh, TP và tương đương và của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.

Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%) và ít kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến nộp 2% kinh phí công đoàn.

“2% kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định và xin Quốc hội được giữ quy định về mức kinh phí công đoàn 2%.

Không quy định trong luật việc phân phối kinh phí công đoàn

Liên quan đến việc phân phối kinh phí công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% trong dự thảo luật, mà theo hướng quy định tỷ lệ “tối đa” và “tối thiểu”. Điều này nhằm bảo đảm linh hoạt trong việc điều tiết kinh phí công đoàn.

Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cũng liên quan vấn đề này, có ý kiến đề nghị quy định rõ nội dung phân bổ nguồn kinh phí công đoàn cho những mục tiêu, hoạt động của công đoàn để làm cơ sở cho việc công khai tài chính; ý kiến khác thì băn khoăn về quy định phân chia đối với 75% kinh phí công đoàn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý và thể hiện trong dự thảo luật theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn đầy đủ hơn.

Đáng chú ý, dự thảo luật không quy định trong luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa.

Dự thảo luật bổ sung quy định: “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”.

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Trước đó, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp 7, cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án.

Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phương án 2: Xác định cụ thể công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới