Bộ Công Thương thông tin về khả năng tái khởi động dự án điện hạt nhân

(PLO)- Vấn đề điện hạt nhân đã được Bộ Công Thương đưa ra trao đổi trong cuộc họp báo chiều nay, sau 8 năm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bị dừng, dù đã được đầu tư nhiều cho công tác chuẩn bị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Tại cuộc họp báo chiều nay, 23-10, do Bộ Công Thương tổ chức, báo chí đặt câu hỏi về việc phát triển điện hạt nhân mà dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang đưa ra, liệu bây giờ mới phát triển điện hạt nhân thì có quá muộn và công nghệ phát triển điện hạt nhân như thế nào để đảm bảo an toàn?

Trả lời vấn đề này, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu, triển khai các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân lực, tài chính cũng gặp khó khăn nên sau đó phải tạm dừng.

điện hạt nhân.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân (giữa) thông tin về việc phát triển điện hạt nhân. Ảnh: AH

Ông Hùng cho biết, sau nhiều năm, tình hình đất nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, thế giới cũng đang có sự phát triển về điện hạt nhân. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới và tình hình hiện nay của Việt Nam.

“Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân giai đoạn tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, trung hoà carbon theo cam kết tại COP 26” - ông Hùng nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết hiện Bộ đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng trong xu thế hiện nay, trước sức ép từ câu chuyện năng lượng tái tạo, một số nước đã có sự phát triển gấp 2-3 lần về sử dụng điện hạt nhân. Như Nhật Bản đang ước tính tỉ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25%.

Về công nghệ của điện hạt nhân, Thứ trưởng Tân cho rằng phải áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, đã được áp dụng thực tiễn để đảm bảo tối đa an toàn.

“Với điện hạt nhân, phải cố gắng đưa mức rủi ro về 0” - ông Tân nói.

Về thời điểm bắt đầu phát triển điện hạt nhân và khả năng tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết phải tuỳ thuộc vào ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, sau khi các bộ, ngành liên quan đã hoàn tất quá trình nghiên cứu và trình báo cáo.

Năm 2008, Quốc hội ban hành Luật Năng lượng nguyên tử thay cho Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ 1996, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc phát triển điện hạt nhân.

Một năm sau, 2009, Quốc hội ban hành Nghị quyết 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VII, đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào tổng sơ đồ điện quốc gia...

Công tác di dân giải phóng mặt bằng ở Ninh Thuận đã được triển khai. Với sự ủng hộ của CHLB Nga, nguồn vốn nhiều tỷ USD cùng việc đào tạo nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân tương lai cũng được triển khai.

Tuy nhiên, đến năm 2016, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bị dừng lại. Và đến nay, sau 8 năm, trước nguy cơ thiếu điện trong dài hạn, vấn đề điện hạt nhân được khởi động trở lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm