Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội ý kiến về việc thẩm định đề xuất của địa phương này đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP Hà Nội cần tiếp tục bổ sung một số hồ sơ liên quan đến dự án. Chẳng hạn như báo cáo kết quả thẩm định nội bộ của cơ quan chủ quản về chủ trương đầu tư dự án; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án trong giai đoạn trước…
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Về khả năng cân đối vốn cho dự án, Bộ KH&ĐT đề nghị nêu rõ khả năng cân đối vốn đối ứng của TP Hà Nội đối với nguồn vốn nước ngoài. Đặc biệt là làm rõ việc xây dựng khung kỹ thuật cho các dự án đường sắt đô thị.
“Vì hiện nay trên địa bàn Hà Nội đang triển khai xây dựng nhiều tuyến đường sắt đô thị, như tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay Trung Quốc, tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay Nhật Bản, tuyến Nhổn - ga Hà Nội sử dụng vốn vay Pháp... Tuy nhiên các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai còn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ khác nhau theo từng nhà tài trợ, chưa mang tính kết nối, liên thông giữa các tuyến…”- Bộ KH&ĐT cho hay.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai có chiều dài 8,7 km đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh.
Dự án được đầu tư với ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác (vành đai 1), Mai Động (vành đai 2) và kết thúc phía sau vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), một khu lập tàu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở).
Dự kiến thời gian thực hiện dự án là từ năm 2023 đến năm 2028 với tổng mức đầu tư là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỉ đồng.
Trong đó, vốn vay các nhà tài trợ nước ngoài là 1.478,68 triệu USD, tương đương 34.231 tỉ đồng. Phần còn lại là vốn đối ứng trị giá 6.346 tỉ đồng, tương đương 274,1 triệu USD từ nguồn ngân sách TP Hà Nội.
Liên quan đến dự án này, mới đây Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt trên nằm trong quy hoạch giao thông thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Hiện này đoạn Nhổn đến ga Hà Nội (dài 12 km) đang được triển khai xây dựng, việc nghiên cứu tiếp đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai sẽ nối khu vực phía Tây qua trung tâm thành phố với khu vực phía Nam.
“Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn về ngân sách việc huy động vốn viện trợ không hoàn lại để thực hiện là phù hợp…”- Bộ GTVT nêu quan điểm.