Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam vừa tiếp tục có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị không đổi tên các Trung tâm Đào tạo lái xe hiện nay thành các “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp...”. Văn bản này phát đi sau gần 5 tháng không nhận được phản hồi từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về vấn đề này.
Trong lần đề nghị lên cấp cao hơn, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục khẳng định yêu cầu đổi tên các cơ sở đào tạo lái xe của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp không thay đổi tiêu chuẩn, năng lực của cơ sở đào tạo, không nâng cao được chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, việc này lại làm phát sinh rất nhiều chi phí đối với các cơ sở đào tạo, vì đi liền với đó phải đổi các giấy tờ, chứng nhận sở hữu các tài sản như nhà, đất, phương tiện ôtô dạy lái xe...
Nếu đổi tên phải thay đổi các giấy tờ, sơn kẻ lại tên cơ sở đào tạo trên các cánh cửa, thành xe. Ảnh: PLO.VN |
Về quy định pháp luật, Hiệp hội vận tải ô tô cũng khẳng định qua nghiên cứu Luật Giáo dục nghề nghiệp và các thông tư của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ đơn vị nhận thấy các văn bản đều không có điều khoản nào quy định yêu cầu cơ sở đào tạo đang hoạt động theo mô hình là Trung tâm Đào tạo nghề phải đổi tên thành ‘Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp...”.
Cạnh đó, tên các cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực đào tạo lái xe hiện hành đã tuân thủ quy định và được các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là Sở LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động. Đặc biệt, trong quá trình quản lý không có vướng mắc gì liên quan đến việc đặt tên gọi đang được sử dụng phổ biến hiện nay.
Ngoài ra, lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô có đặc thù riêng, ngoài đất đai, nhà xưởng, bãi tập còn phải trang bị một số lượng lớn phương tiện xe ô tô để đáp ứng cho học viên tập lái.
Trên thực tế hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đều phải huy động vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nên các loại giấy tờ chứng nhận sở hữu của các tài sản nêu trên đã được thế chấp ở ngân hàng. Nếu đổi tên các cơ sở đào tạo lái xe phải rút các hồ sơ chứng nhận sở hữu tài sản đang thế chấp tại các ngân hàng là rất phức tạp và trong nhiều trường hợp là bất khả thi.
“Còn nếu đổi tên cơ sở đào tạo mà không chuyển sở hữu các tài sản nói trên lại vi phạm các quy định. Chưa hết, khi chuyển sở hữu xong lại phải sơn kẻ lại tên cơ sở đào tạo trên các cánh cửa, thành xe... sẽ phát sinh nhiều chi phí…”- Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam dẫn chứng.
Theo đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu và xem xét giải quyết theo hướng cho phép giữ nguyên tên gọi cũ hiện hành.
Đầu tháng 8, trả lời PLO về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, khẳng định việc này không phải do tổng cục đề xuất đổi mà theo khoản 1, điều 5 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, luật định nghĩa thống nhất tên gọi tất cả “Trung tâm Đào tạo lái xe” thành “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp”.
Liên quan đến việc điều chỉnh gây vướng mắc, tốn kém, bà Hương từ chối bình luận sâu và đề nghị PV có văn bản qua cục sẽ được thông tin cụ thể. “Hiện tôi chỉ khẳng định đây là làm theo luật chứ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp không tự nhiên đẻ ra quy định trên” - bà Hương nhắc lại.