Nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán là nguyên tắc nền tảng của mọi nền tư pháp dân chủ, đã được các bản Hiến pháp nước ta quy định. Để thực thi nguyên tắc này cần bảo đảm hai yếu tố: độc lập về mặt tổ chức giữa các tòa án và độc lập của các thẩm phán.
Trong đó, để các tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử phải bảo đảm cho các tòa án được độc lập với nhau về mặt tổ chức; tòa án xét xử theo thẩm quyền được luật giao, không có cấp trên, cấp dưới.
Còn để bảo đảm tính độc lập của thẩm phán thì những vấn đề liên quan trực tiếp đến toàn bộ “vòng đời chuyên môn” của đội ngũ này, từ việc chỉ đạo/tổ chức các kỳ thi tuyển nguồn thẩm phán... đến quá trình giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, đề nghị điều động, luân chuyển, biệt phái cũng như khen thưởng, kỷ luật thẩm phán… rất cần một thiết chế bảo đảm tránh được sự phụ thuộc, khép kín trong thực hiện.
Xét ở cả hai cấp độ này, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đưa ra một số quy định về đổi mới TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử và việc bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Đây có thể được coi là những đổi mới bước đầu, hướng tới mục tiêu trong việc xây dựng nền tư pháp tại Nghị quyết 27. Do đó, cá nhân tôi ủng hộ các quy định này.
Về lâu dài, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo TAND Tối cao tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo cơ sở chính trị cho việc hoàn thiện cơ chế bảo đảm sự độc lập của tòa án, đặc biệt là sự độc lập của thẩm phán theo hướng thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia thay cho Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (như loại ý kiến thứ hai được nêu trong Tờ trình của TAND Tối cao).
Theo đó, Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các công việc liên quan đến “vòng đời chuyên môn của các Thẩm phán” như đã nêu trên và cả những vấn đề về biên chế, ngân sách hoạt động, kinh phí xây dựng, sửa chữa các tòa án. Mô hình này sẽ góp phần loại trừ những tác động tới sự độc lập của Tòa án, đặc biệt là sự độc lập của thẩm phán.
Cũng liên quan đến tính độc lập của thẩm phán, tôi cho rằng không nên quy định nhiệm kỳ đối với thẩm phán. Một khi đã được bổ nhiệm thì thẩm phán đó sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến khi nghỉ hưu. Đây cũng là một trong những bảo đảm quan trọng cho sự độc lập của thẩm phán ở nhiều nước trên thế giới.
Đối với những trường hợp chuyển công tác, thôi việc hoặc thẩm phán không đảm bảo về trình độ, phẩm chất, đạo đức để tiếp tục làm nghề thì đã có cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Nhiệm kỳ chỉ nên áp dụng đối với các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý mà không nên áp dụng đối với những người làm nghề. Trong khi đó, thẩm phán là một chức danh tư pháp, được đào tạo, rèn luyện…, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn và trải qua quá trình thi tuyển, tuyển chọn nghiêm ngặt để được bổ nhiệm, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là xét xử.
Quá trình xây dựng Luật Tổ chức TAND sửa đổi, vấn đề Hội đồng tư pháp quốc gia đã được đặt ra và đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, sau quá trình tiếp thu, cơ quan soạn thảo đã giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia như hiện nay. Theo Uỷ ban Tư pháp, Hiến pháp năm 2013 không quy định về Hội đồng tư pháp quốc gia. Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia hiện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, không cần thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia.