Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh trên các nước về sử dụng dịch vụ thu phí không dừng.
Theo đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc triển khai áp dụng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng trên địa bàn cả nước nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông, Bộ GTVT đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện việc dán thẻ thu phí tự động không dừng (thẻ E-tag) đối với toàn bộ các phương tiện thuộc diện thu phí do bộ, ngành, địa phương quản lý.
Bộ GTVT đề nghị các xe công phải dán thẻ để thuận tiện cho việc đi lại và làm gương cho người dân.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng khi qua các trạm thu phí.
Trước đó, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Vụ Đối tác công tư (PPP) Bộ GTVT, cho biết việc dán thẻ giúp công khai minh bạch, phương tiện lưu thông nhanh hơn… tuy nhiên hiện nay số lượng xe dán thẻ còn hạn chế.
Vì vậy, ngoài việc đầu tư hạ tầng thì cán bộ công chức Nhà nước phải làm gương cho người dân. Theo đó, Bộ GTVT cần đề nghị tất cả xe biển xanh, xe công phải dán thẻ E-tag.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một (BOO1) áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Giai đoạn hai (BOO2) áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc (33 trạm).
Trong đó, giai đoạn một có 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm thuộc các tuyến quốc lộ và cao tốc khác. Riêng 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đến thời điểm này, toàn bộ các trạm đã được lắp đặt và vận hành thu phí tự động không dừng.
Các trạm trên các tuyến quốc lộ và cao tốc khác đang triển khai đảm bảo hoàn thành trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án giai đoạn hai, tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên Quốc lộ 1 và 23 trạm thuộc các tuyến quốc lộ và cao tốc khác. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, dự kiến triển khai lắp đặt toàn bộ các trạm thu phí BOT trong năm 2019.
“Như vậy, đến nay tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng cơ bản đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ....”, ông Huyện thông tin.
Liên quan đến thu phí không dừng, tại cuộc họp giữa tháng 3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đúng tiến độ (tất cả các trạm BOT đều có làn thu phí không dừng trong năm 2019). Doanh nghiệp BOT nào “chây ỳ” sẽ chịu trách nhiệm: “Bộ GTVT không bao giờ nương tay”, ông Thể nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thể cũng yêu cầu bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật. Trong đó, ưu tiên các xe dán thẻ được đi vào các làn thu phí tự động không dừng. Đến 31-12, toàn bộ những xe không dán thẻ E-tag phải sắp hàng trật tự (không giới hạn chiều dài). Đồng thời, xử phạt các xe không dán thẻ E-tag đi vào làn thu phí không dừng…
Ít phương tiện dán thẻ E-tag Hiện nay mới có 700.000/3,5 triệu ô tô dán thẻ thu phí không dừng. Trong đó, chỉ khoảng 30% số xe đã dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí ETC. Số lượng lớn xe chưa dán thẻ Etag thuộc Hà Nội và TP.HCM. “Mặc dù công tác triển khai lắp đặt đúng tiến độ nhưng tỉ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu…”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin. |