Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc trả bài hay dò bài cũ của học sinh và giáo viên. Là một giáo viên dạy Văn cấp ba đã hơn 20 năm, tôi nghĩ để học sinh (HS) có tinh thần tự giác, ý thức tự học cao mà không có dò bài là rất khó. Nếu không kiểm tra bài, HS sẽ có xu hướng lười biếng, không tự ý thức học.
Theo tôi, đi học phải có áp lực, nhưng cách tạo áp lực của giáo viên (GV) đôi khi hãy đổi thành động lực để HS yêu thích và đam mê học môn của mình. Nếu tạo áp lực khiến HS vì sợ mà học, thì đấy là học trong thế thụ động, bị động, không đem lại hiệu quả cao.
Bản thân tôi rất hiếm khi dò bài đầu giờ, vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của học trò cũng như chính bản thân mình. Nếu học trò không thuộc bài thì hôm đấy có lẽ tôi sẽ rất bực, khó chịu, sẽ không có hứng thú để dạy bài mới cho hay ho. Riêng học trò, nếu bị điểm thấp và bị la rầy ngay đầu tiết học thì sẽ không còn tâm trạng và tinh thần để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.
Chính vì thế, tôi rất ít khi dò bài đầu giờ mà sẽ lồng ghép việc kiểm tra kiến thức cũ vào trong bài học mới. Ví dụ, trong quá trình dạy bài mới, chỗ nào có liên quan đến kiến thức bài cũ, tôi sẽ hỏi HS và cho điểm luôn.
Hoặc nếu có kiểm tra bài cũ đầu giờ thì cũng không nhất thiết phải kiểm tra trong không khí căng thẳng, kêu tên bất chợt lên bục giảng. Tôi ưu tiên tinh thần xung phong của HS, khuyến khích các em trả lời sôi nổi để được cộng điểm. Nếu phải chỉ định, HS trả lời đúng thì cộng điểm, sai thì lại cho HS cơ hội khác.
Ngoài ra, để khởi động cho một tiết học tràn đầy năng lượng nhưng vẫn đảm bảo giúp HS có ý thức học bài cũ, tôi sẽ tạo những trò chơi kiến thức vui nhộn để HS lấy điểm.
Thay vì kêu bất chợt HS lên bảng rồi đặt câu hỏi một cách hàn lâm, tôi tổ chức trò chơi để lấy điểm cộng giúp HS vui vẻ, kích thích tinh thần tự học, tạo động lực cho HS học bài cũ. Mặt khác nó sẽ giúp việc kiểm tra bài không quá căng thẳng áp lực, giúp khởi động một tiết học sôi nổi. Để lấp đầy cột điểm kiểm tra thường xuyên cho HS, trong quá trình học bài mới, tôi cũng sẽ cho HS thảo luận nhóm lấy điểm.
Tôi luôn cố gắng tìm nhiều phương pháp để dạy học một cách lôi cuốn, hấp dẫn HS, giúp các em yêu thích, say mê môn của mình mà chịu học chứ không phải vì sợ điểm 1, điểm 2 mà học.
Khi học trò yêu môn học đó, việc tiếp thu kiến thức cũng dễ dàng hơn. Với tôi, nếu GV chịu lắng nghe, gần gũi, thương HS thì chúng cũng sẽ thương lại mình, từ đó việc giáo dục cũng trở nên dễ dàng hơn. Nếu chỉ khiến HS sợ mà học, chúng sẽ có tâm lý học để đối phó. GV chịu khó nắm bắt tâm lý học trò, khi hiểu được chúng thì chúng sẽ chịu nghe mình chia sẻ và truyền đạt kiến thức.
Với tôi, không có HS cá biệt hay bất trị. Mỗi em sẽ có những năng khiếu và môn tủ khác nhau. Nếu GV chịu khó và tận tình chỉ dạy những kiến thức cơ bản, cần thiết ở môn học đó, chắc chắn các em sẽ nắm được.
Với môn Văn đôi khi cần sự hấp dẫn và lôi cuốn nhưng thôi… những HS không thể viết được một bài văn hay thì tôi hạ chỉ tiêu xuống, chỉ cần các em chịu nắm đủ kiến thức cơ bản là được. Tùy vào từng năng lực của HS mà tôi có những cách đánh giá học lực khác nhau. Không thể đánh đồng, áp đặt chỉ tiêu của HS giỏi cho một HS trung bình mà hãy tùy theo sự tiến bộ, nỗ lực của từng HS.
Tôi không so sánh HS giỏi với HS dở vì năng lực của từng HS là khác nhau. Tôi cố gắng ghi nhận sự nỗ lực từng ngày của HS, đó cũng là một cách đánh giá học lực của chúng. Luôn khen, tuyên dương và khuyến khích để kích thích sự ham học hỏi của HS. Dĩ nhiên HS giỏi, năng động, luôn xung phong trả bài thì điểm số sẽ cao. Vì thế các phương pháp kiểm tra bài của tôi vẫn phân tầng được học lực của HS và vẫn đảm bảo đầy đủ các cột điểm cho chúng.
Theo tôt, khi thay đổi cách dò bài đầu giờ truyền thống sang những cách dò bài nhẹ nhàng hơn cũng giúp GV thay đổi cách đánh giá từng HS khác nhau để có một cái nhìn khách quan hơn, giúp HS có động lực học môn của mình thay vì học trong áp lực, đối phó.