Để tuân thủ pháp luật là một nhu cầu

Chỉ tấm biển hiệu này, vị giáo sư người Pháp quay sang nói với BS Nguyễn Khắc Viện: “Không ở đâu giống đất nước của ông, viết khẩu hiệu như vậy chẳng khác gì viết rằng muốn sống con người ta phải ăn, phải uống, vì đó là chân lý hiển nhiên”.

Tất nhiên, để đạt được cái chân lý hiển nhiên như ông giáo sư người Pháp nói là cả một quá trình rất dài với một xã hội vốn duy cảm và đi lên từ nông nghiệp lúa nước như nước ta.

Chắc hẳn bạn đọc đồng ý với tôi việc đa phần người tham gia giao thông đều hiểu rằng chạy xe vượt đèn đỏ là vi phạm giao thông, thế nhưng không ít người sẵn sàng phóng liều khi thấy ngã tư vắng người mà không có CSGT canh gác. Trong hình sự, thực tế đã có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra mà nguyên nhân chính chỉ là người dân không am hiểu pháp luật như việc “tự xử” đến chết những người trộm chó, trong cơn giận dữ lên tới tột độ.

Đáng nói hơn, ngay cả những cán bộ, công chức, những người đang làm nhiệm vụ thực thi, bảo vệ pháp luật cũng vi phạm luật. Trong năm qua và sẽ còn rất lâu dư luận mới có thể quên những sai lầm chết người của các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh trong vụ án cà phê Xin Chào. Hay như mới đây, việc một cán bộ kiểm lâm ở Hòa Bình bay vào cabin trạm thu phí để tấn công nhân viên ở đây cũng cho thấy sự xem thường pháp luật, phá vỡ kỷ cương trong một bộ phận cán bộ là hết sức đáng báo động.

Vì thế, việc nâng cao hiểu biết và tuân thủ pháp luật cho cả đội ngũ cán bộ, công chức là rất cần thiết. Thậm chí điều này còn đóng vai trò căn cơ trong việc kiến thiết nền tảng thượng tôn pháp luật cho toàn xã hội. Nói như ông bà ta “làm quan đi trước làng nước theo sau”. Còn nếu cứ để tình trạng cán bộ, công chức bẻ cong pháp luật, chà đạp lên pháp luật tiếp tục xảy ra thì sẽ gây ra nhiều hậu quả to lớn cho việc giáo dục ý thức pháp luật cho toàn xã hội.

Những ngày gần đây, nhiều người dùng điện thoại di động đều nhận được tin nhắn từ Bộ Tư pháp với nội dung “Toàn dân tích cực hưởng ứng ngày Pháp luật nước CHXHCNVN 9-11, nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”.

Chúng ta hoàn toàn ủng hộ việc làm rất trách nhiệm này của Bộ Tư pháp để mọi người dân biết có một ngày được chọn làm “Ngày Pháp luật”. Việc lấy ngày pháp luật không phải để cho thêm nhiều ngày kỷ niệm mà mục đích chính là nâng cao nhận thức, hiểu biết của cả cộng đồng, của xã hội về việc thượng tôn pháp luật.

“Ngày Pháp luật” sẽ ý nghĩa hơn khi cả hệ thống cùng vào cuộc, để việc chấp hành pháp luật không chỉ là nghĩa vụ mà còn là một nhu cầu, là một con đường dài. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức thậm chí phải đặt nặng trách nhiệm làm gương lên trước hết và trên hết.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Áp lực cực cao là cơ hội cho những người xuất sắc

Áp lực cực cao là cơ hội cho những người xuất sắc

(PLO)- Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số trong các năm tiếp theo mà Trung ương đã xác định là rất thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và một cuộc cải cách sâu rộng về thể chế, chính sách; đột phá về cấu trúc kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đầu tư...

Phẫu thuật để lành mạnh hóa ngành đăng kiểm

Phẫu thuật để lành mạnh hóa ngành đăng kiểm

(PLO)- Việc xử lý các hành vi vi phạm trong đại án này được xem là cơ hội củng cố niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động kiểm định; là cơ hội làm trong sạch ngành đăng kiểm...

Gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế xanh

Gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế xanh

(PLO)- Biến đổi khí hậu ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng cho con người. Các nhà khoa học và xây dựng chính sách hiểu rằng nền kinh tế hiện nay cần cải thiện, cần tính đến các yếu tố về môi trường và từ đó đã hình thành hệ tư tưởng về kinh tế xanh…

TikToker Lê Tuấn Khang và câu tự hỏi của giới truyền thông

TikToker Lê Tuấn Khang và câu tự hỏi của giới truyền thông

(PLO)- Ngày 3-12 thì video mới nhất của Lê Tuấn Khang đã có gần 340 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày xuất hiện, trang TikTok của Khang đã có hơn 11 triệu người theo dõi. Liên tục lập các kỷ lục và tự mình phá những kỷ lục ấy, Khang dĩ nhiên trở thành một hiện tượng.