Nhiều tài xế thường có thói quen lái xe cho đến khi gần cạn bình xăng, mới ghé trạm xăng đổ đầy bình. Thường mọi người có cảm giác nhìn kim xăng từ vạch hết chạy thẳng lên vạch đầy bình với cảm giác khoan khoái, thoải mái như mình đã hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn nào đó.
Thực tế, nhiều người hay bỏ qua những tín hiệu báo chiếc xe đã sắp hết nhiên liệu, cố gắng chạy thêm vì tin rằng, có thể chạy được khoảng đường dài nữa, đủ để đến trạm xăng kế tiếp. Dù các xe có tính toán các con số dữ liệu quãng đường trên khối lượng xăng còn lại cũng không bao giờ chính xác.
Và không nhiều người biết rằng, chạy chiếc xe quá cạn nhiên liệu gây ra những hư hỏng nghiêm trọng ra sao cho chiếc xe.
Đầu tiên, sẽ làm mòn bơm nhiên liệu. Vì xăng trong bình đóng vai trò như là chất bôi trơn cho bơm nhiên liệu. Khi bình xăng cạn, đồng nghĩa bơm nhiên liệu không nhận đủ chất bôi trơn như thường lệ, mà có cả không khí chen vào.
Do bình có xăng thấp, thì không khí sẽ chen vào khoảng không này. Việc tiếp xúc với không khí lâu dài sẽ làm cho bơm hoạt động quá mức, nóng lên, và bị mài mòn dẫn đến hư hỏng.
Nhiên liệu không sạch như bạn nghĩ mà chứa nhiều chất bẩn, mà sẽ lắng xuống dưới đáy bình. Theo thời gian chất bẩn này biến hoá tương tự bùn. Khi chạy gần hết xăng thì bơm nhiên liệu sẽ hút cả chất bùn này đưa vào động cơ. Hệ quả là kim phun và bộ lọc nhiên liệu bị tắt nghẽn khiến động cơ hoạt động không hiệu quả.
Việc để bình xăng cạn kiệt có khả năng dẫn đến động cơ mất công suất. Hãy thử tưởng tượng bạn chạy trên đường cao tốc, với tình trạng động cơ như vậy, đồng nghĩa xe mất trợ lực lái và phanh khiến việc điều khiển xe trở nên khó khăn và nguy hiểm.
Lái xe là một công việc căng thẳng nhưng vấn đề tồi tệ hơn khi lái trong tình trạng lo hết xăng, sức ép gia tăng gấp nhiều lần. Với tình trạng bất ổn, việc lái xe dễ dẫn đến tai nạn, do đó hãy đảm bảo sự yên tâm bằng cách bình xăng phải chứa ít nhất nửa bình.
Theo Gulfnews