Sau bài “Làm sao để CSGT bớt ra đường”, Pháp Luật TP.HCMnhận được nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc để tăng tính khả thi trong việc phạt nguội.
Ông ĐỖ VĂN BẰNG, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát, chủ hãng xe Sao Việt (chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai):
Ủng hộ phạt nguội
Tôi rất ủng hộ hình thức xử phạt nguội, nó vừa minh bạch lại chống được tham nhũng. Các nước tiên tiến đã làm từ lâu, giờ chúng ta mới “chập chững” làm là rất muộn.
Với công ty tôi, nếu tài xế điều khiển phương tiện có thông báo phạt nguội sẽ bị xử phạt hai lần. Cụ thể, khi nhận được thông báo vi phạm giao thông từ Phòng CSGT các tỉnh gửi về, chúng tôi sẽ trích xuất dữ liệu và yêu cầu đúng tài xế vi phạm đi nộp phạt. Sau đó, công ty yêu cầu tài xế đưa giấy nộp phạt về nhằm tránh trường hợp từ sáu tháng đến một năm đi đăng kiểm phương tiện phát hiện xe chưa nộp phạt mà nhân viên đã nghỉ làm. Tiếp đó, tài xế này bị xử lý nội bộ về hành vi vi phạm trên.
Anh NGUYỄN TUẤN (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội):
Phạt nguội cần “nóng” hơn
Tôi đang kinh doanh cho thuê ô tô tự lái. Trong hợp đồng thuê xe có điều khoản quy định trường hợp bên thuê xe vi phạm và bị phạt nguội thì họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cùng tổn phí bị phạt. Tuy nhiên, việc phạt nguội thường diễn ra sau khi bên thuê bàn giao xe hoặc nếu có quy định ràng buộc sau đó nhưng mình không liên lạc được với bên thuê… thì rất khó buộc họ đóng phạt.
CSGT quận Tân Bình bắn tốc độ trên đường Trường Sa, TP.HCM. Ảnh: HTD
Vì vậy, tôi thường phải đi nộp phạt, nhiều lúc tiền phạt cao hơn tiền cho thuê phương tiện. Ngoài ra, khi cho bạn mượn xe, nếu bạn vi phạm giao thông thường mình sẽ đứng ra nộp thay. Như vậy, việc xử phạt nguội rất dễ rơi vào tình trạng phạt chưa đúng người, mục đích phạt nhằm răn đe, giáo dục người vi phạm không đạt được, đây là bất cập. Có cách nào để việc phạt nguội “nóng” hơn, nhanh hơn không?
Đối với việc mở tài khoản để tiện thu tiền nộp phạt, tôi cho rằng không nên bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích.
Ông TRẦN TUẤN PHONG (Bến Cát, Bình Dương):
Phải vừa phạt vừa đe
Theo tôi, các địa phương nên triển khai xử phạt vi phạm giao thông qua camera nhiều hơn nữa vì tính minh bạch của nó.
Khi ra quyết định xử phạt, ngoài mức phạt thì công an cần ghi chú: Nếu không nộp phạt đúng hẹn sẽ bị tăng mức phạt lên bao nhiều lần. Có như vậy người vi phạm mới sợ mà nộp phạt đúng hạn, chuyện phạt nguội sẽ hiệu quả hơn hiện nay.
Bên cạnh đó, cách nộp phạt hiện nay cũng rất nhiêu khê, khó khăn do phải nộp trực tiếp hoặc ủy quyền nhờ người đi nộp. CSGT cũng nên cải tiến việc nộp phạt vi phạm giao thông sao cho tiện lợi bằng nhiều hình thức như nộp qua Internet Banking, quẹt thẻ ngân hàng…
Bà PHAN NHƯ THẢO VINH (Tân Bình, TP.HCM):
Cứ níu chủ xe mà phạt
CSGT ghi hình xử phạt thì nhiều nhưng số người tự đến nộp phạt rất ít. Cơ quan công an thường căn cứ hình ảnh mà phát hành thông báo vi phạm đến chủ xe. Sau đó mới biết là xe đã bán nhiều đời, xe cho mượn, xe cho thuê…, thế là phát sinh biết bao tình huống rất mệt mỏi, mất thời gian cho người dân và cơ quan công an.
Cần phải xác định đúng, chính xác đối tượng vi phạm rồi mới ra quyết định xử phạt. Muốn vậy ngành công an cần mở ra nhiều cổng cơ sở dữ liệu trên cả nước về xe chính chủ để ai có mua bán, chuyển nhượng xe… thì đăng ký ngay lập tức vào cổng đó.
Từ đó CSGT trên toàn quốc sẽ có đầy đủ dữ liệu về xe chính chủ, khi xe vi phạm, cứ níu chủ xe mà phạt. Người đóng phạt phải là chủ xe, còn chuyện ai đi xe đó gây ra lỗi thì chủ xe hiện nay sẽ đòi lại họ sau, cần thiết thì kiện ra tòa để đòi. Như vậy việc phạt nguội mới đạt được hiệu quả cao.
Thế giới áp dụng phạt nguội như thế nào? - Mỹ: Sau khi cảnh sát lập hồ sơ, một bản sẽ được chuyển cho người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm, một bản lưu hồ sơ. Nếu sau 30 ngày người vi phạm chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng phạt, mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Chậm hơn nữa họ sẽ bị phạt gấp ba, gấp bốn và cuối cùng bị triệu tập ra tòa và phải chịu hoàn toàn mọi án phí. - Đức: Giấy báo phạt được gửi đến địa chỉ nhà bạn sau 10-20 ngày kể từ ngày vi phạm. Sau đó người vi phạm có thời hạn 7-10 ngày để nộp phạt. Nếu để quá thời gian đóng phạt, số tiền phạt sẽ được tăng nặng và sau đó bị trừ trực tiếp vào lương hoặc thuế thu nhập cá nhân. Sau ba lần gửi phiếu phạt nhắc nhở, nếu người vi phạm vẫn chưa hoàn thành việc đóng phạt thì sẽ bị triệu tập ra tòa. - Úc: Người vi phạm luật giao thông có 28 ngày để nộp phạt, xin gia hạn thời gian nộp phạt; hoặc xin thay việc nộp phạt bằng các hình thức khác như lao động công ích. Nếu người vi phạm vẫn cố tình không nộp phạt thì sẽ nhanh chóng bị CSGT “điểm mặt” bằng một camera có khả năng quét các phương tiện giao thông có vấn đề về nộp phạt, hết hạn đăng ký… Lúc này người bị phạt sẽ bị dừng xe và in phiếu phạt tại chỗ với số tiền phạt tăng nặng. TÚ QUYÊN |