Còn việc CSGT thông qua camera ghi nhận hành vi sai phạm để xử phạt sau đó gọi là phạt nguội. Đố bạn CSGT thích nóng hay nguội?
Nhanh như chớp, những người được hỏi ý kiến đều trả lời: Nóng! Nóng để CSGT nhận tiền tươi. Nóng để người vi phạm lẫn CSGT cùng được lợi riêng do số tiền giao nhận giữa hai bên luôn nhẹ hơn mức phạt dành cho người chạy sai… Ôi thôi là đủ lời chê trách muôn thuở dành cho CSGT mà số đông rất dễ đồng cảm.
CSGT đang làm nhiệm vụ. Ảnh: H.KIM
Thực ra nguyên do tiêu cực đó đúng nhưng chưa đủ. Đề xuất của Công an TP Hà Nội về việc các chủ ô tô buộc phải mở tài khoản để CSGT thu tiền phạt nguội và những bất cập lâu nay của việc phạt nguội tiếp tục cho thấy có ba lý do chính để phạt nóng êm xuôi hơn phạt nguội.
1. Khó phạt đúng người
Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) quy định: Chỉ có người thực hiện hành vi có lỗi, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước thì mới bị xử phạt hành chính. Nếu với phạt nóng CSGT bắt tại trận người vi phạm thì với phạt nguội camera chỉ quét được địa điểm (tuyến đường), thời gian, lỗi và biển số xe vi phạm, còn ai lái xe không rõ. Do vậy thủ tục xử phạt sẽ đơn giản nếu người điều khiển xe cũng là người đang đứng tên cà vẹt xe.
Ngược lại, việc xử phạt có thể bị bế tắc nếu đó là người mượn, thuê xe hoặc đã mua, nhận chuyển nhượng xe nhưng chưa sang tên… và không muốn hợp tác với chủ sở hữu xe để đi chịu phạt. Trường hợp ghi đại người vi phạm là chủ xe hoặc là người nảo người nao để ép chủ xe đóng phạt thì CSGT có thể gây oan, sai.
2. Khó ra quyết định xử phạt
Với phạt nóng, biên bản vi phạm được giao tức thời cho người lái xe. Trong khi đó, với phạt nguội thì quy trình xử phạt kéo dài gấp nhiều lần. Cụ thể, từ hình ảnh được trích xuất, CSGT sẽ in thông báo vi phạm gửi công an các phường, xã trên địa bàn và các tỉnh, thành khác để chuyển đến chủ xe đi làm thủ tục xử lý sai phạm.
Trên thực tế, vì nhiều lý do như xe được đổi chủ mà chưa sang tên, chủ xe thay đổi chỗ ở hoặc né tránh… mà việc chuyển thông báo vi phạm tốn nhiều thời gian và lắm khi thất bại khiến CSGT không thể ban hành quyết định xử phạt. Từ đó nhiều vi phạm đã không được ngăn chặn kịp thời, việc xử phạt không được tiến hành nhanh chóng… đúng như nguyên tắc xử lý của Luật Xử lý VPHC.
3. Khó thu được tiền
Khi phạt nóng, CSGT có thể tạm giam bằng lái hay chiếc xe… để người vi phạm buộc phải khẩn trương đến cơ quan công an hoàn tất các thủ tục cần thiết và nộp phạt. Còn với phạt nguội thì như đã nêu ở trên, tài xế sai phạm dễ lặn mất tăm.
Để hiệu quả hơn, CSGT nhiều tỉnh, thành đã đề nghị dừng đăng kiểm các xe dính phạt nguội và gần đây là đề xuất bổ sung một biện pháp khó lòng được chấp nhận trong ngày một ngày hai là “trừ tiền trong tài khoản của chủ xe”. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhiều lần phân tích là người lái xe có lỗi chứ chiếc xe không có lỗi để phải bị từ chối đăng kiểm.
Đáng lưu ý là theo Bộ Tư pháp, một quy định trong Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT đang được Bộ Công an và Cục Đăng kiểm vịn theo để chặn đăng kiểm là “chưa chặt chẽ, rõ ràng, có một số vấn đề về pháp lý khi đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ, nghị định về thẩm quyền của bộ trưởng Bộ GTVT…”. Vậy có cách nào khác phù hợp hơn để CSGT nhanh chóng thu được tiền phạt nguội và không phải thắc thỏm bị dân kiện về “tội” chế tài trái luật?
Thời gian tới TP.HCM sẽ hoàn toàn phạt nguội chứ không còn cảnh CSGT đứng ngoài đường để xử lý người vi phạm. Không chỉ đúng xu thế chung, giải pháp mà TP.HCM đang triển khai này còn giúp CSGT khôi phục lại hình ảnh, chấm dứt được những lời ong tiếng ve. Vậy để loại bỏ ba lý do kể trên thì quy trình, thời gian, thủ tục và các hệ lụy pháp lý dành cho người trốn đóng phạt nguội sẽ phải đặc biệt hơn các VPHC khác? CSGT chỉ cần níu áo chủ xe và nếu có phát sinh xung đột về nghĩa vụ đóng phạt thì chủ xe và người được giao sử dụng xe có thể đưa nhau ra tòa phân xử?...
Cách nào chưa rõ nhưng chắc chắn phải có sự thay đổi thì mới mong tỉ lệ chấp hành phạt nguội vượt mức hiện tại.