Tại phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 10-4 đã cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Đây là hành động kiên quyết hơn trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thuỷ sản, nhất là trong bối cảnh thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EU) gắn thẻ vàng IUU.
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng đã xử phạt 1.538 vụ với tổng số tiền 31 tỉ đồng, trong đó có 11 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền gần 10 tỉ đồng. Dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng không thể xử phạt được do thiếu thông tin, dữ liệu thu được từ thiết bị nghiệp vụ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản.
Uỷ ban Thường vụ QH biểu quyết cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết hiện không có quy định chặt chẽ để khởi tố, xử lý những hành vi vi phạm trên biển, ngư trường nói chung và vi phạm thẻ vàng thuỷ sản (IUU) nói riêng, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý những vụ vi phạm.
Hiện, Bộ được giao chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản.
Theo ông Lê Minh Hoan, quy định mới sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân vì đối tượng vi phạm sẽ khó khăn khi phi tang tang vật vi phạm do các vi phạm này được lưu lại bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Việc này cũng giúp việc xử lý vi phạm được thuận lợi và nhanh hơn; giảm kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển do tàu cá đã được theo dõi, giám sát bằng thiết bị giám sát; thông tin dữ liệu thu được sẽ là bằng chứng, chứng cứ để xử lý vi phạm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết việc quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là cần thiết.
Việc này sẽ tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của EC về IUU, góp phần sớm tháo gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN |
Tán thành sự cần thiết ban hành quy định này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết thời gian qua Chính phủ, QH đã đề cập nhiều đến vấn đề áp thẻ vàng IUU của EC đối với Việt Nam làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh kế của ngư dân. Việc tăng cường giám sát quản lý đánh bắt thủy sản không đăng kí, không khai báo vừa là cam kết của Việt Nam vừa thể hiện chính sách phát triển bền vững của Việt Nam.
Chủ tịch QH đề nghị quá trình xây dựng dự thảo Nghị định cần tăng cường công tác truyền thông, nêu rõ tác dụng của các quy định. Điều này nhằm vừa bảo đảm quản lý, giám sát việc đánh bắt thủy sản không khai báo, không đăng ký, vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện nỗ lực của Việt Nam để tác động với các cơ quan của châu Âu sớm gỡ bỏ "thẻ vàng".
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết đây là nội dung quan trọng, cần thiết, thiết thực để phát triển ngành ngư nghiệp bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên họp, 100% thành viên UBTVQH có mặt đã biểu quyết đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản khi ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sửa đổi).