Đề xuất khấu trừ một phần lương, thu nhập nếu không thực hiện quyết định xử phạt hành chính

(PLO)- Tổ chức, cá nhân không chấp hành các quyết định xử phạt hành chính thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thay thế cho Nghị định 166/2013.

Theo đó, kế thừa từ quy định hiện hành, dự thảo nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nếu như cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quyết định xử phạt hành chính.

Người thuộc lực lượng quân đội, công an không chấp hành vẫn bị khấu trừ lương, thu nhập

Cụ thể, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: Khấu trừ một phần lương, thu nhập; Khấu trừ tiền từ tài khoản; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; Thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế trong trường hợp sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

xử phạt hành chính
CSGT tại TP.HCM đang lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm giao thông. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Dự thảo đã bổ sung quy định về lập biên bản việc tổ chức, cá nhân bị xử phạt không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo tính chặt chẽ về mặt pháp lý. Do thực tiễn thi hành yêu cầu cần có căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Đáng chú ý, về đối tượng bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương, thu nhập, dự thảo đã bổ sung thêm: Viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vào các đối tượng áp dụng.

Về quá trình xác minh thông tin tiền lương và thu nhập của người bị khấu trừ, dự thảo quy định người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có văn bản yêu cầu cá nhân bị cưỡng chế; tổ chức, cá nhân đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập và các tổ chức, cá nhân liên quan phải cung cấp thông tin bằng văn bản về tiền lương, thu nhập, mức lương hưu hằng tháng của cá nhân bị cưỡng chế hoặc tổ chức tiến hành xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức lương hưu hằng tháng của cá nhân bị cưỡng chế. Việc xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức lương hưu hằng tháng của cá nhân bị cưỡng chế phải lập biên bản xác minh.

Tỉ lệ khấu trừ là không quá 30% trên tổng số tiền lương, lương hưu thực trả hàng tháng và không quá 50% đối với thu nhập khác.

Về thời hạn ra quyết định cưỡng chế, dự thảo đã quy định kể từ ngày xác định được thông tin về tiền lương, thu nhập, mức lương hưu hằng tháng của cá nhân bị cưỡng chế, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phải ra quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân là 02 ngày làm việc.

Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khi được yêu cầu

Về biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản, thực tế hiện nay khi người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về xác minh thông tin về tài khoản, tiền gửi của cá nhân, tổ chức nên cần có sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức tín dụng để tạo thuận lợi cho việc triển khai thi hành.

Theo đó, dự thảo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế gửi hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng đề nghị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Kho bạc Nhà nước cung cấp thông tin về tài khoản, tiền gửi của cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Văn bản yêu cầu phải ghi rõ các thông tin cần cung cấp như tên, số căn cước công dân số căn cước, địa chỉ, số tài khoản hoặc số số tiền gửi, số tiền có trong tài khoản hoặc số tiền gửi và các thông tin cần thiết khác.

Sau khi tiếp nhận được hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng thì tổ chức tín dụng có trách nhiệm chuyển thông tin tài khoản của người bị cưỡng chế cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về chấm dứt phong tỏa tài khoản. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ về việc cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế đã thi hành xong quyết định cưỡng chế thì người ra quyết định cưỡng chế phải gửi văn bản đề nghị tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang quản lý tài khoản, số tiền gửi của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế chấm dứt phong tỏa tài khoản, số tiền gửi.

Theo thống kê, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành từ năm 2014 đến năm 2021 là 55.856.703 quyết định, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã thi hành là 49.719.779 quyết định, số quyết định chưa thi hành xong là 3.325.530 quyết định.

Nhìn chung, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được cá nhân, tổ chức vi phạm tự nguyện chấp hành. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp không tự nguyện chấp hành dẫn đến phải ban hành quyết định cưỡng chế, qua thống kê sơ bộ có 24.112 quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, số quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính do lực lượng Công an ban hành chiếm khoảng 80%,

Nhiều trường hợp đã tự nguyện chấp hành sau khi quyết định cưỡng chế được ban hành, một số trường hợp không thể thi hành quyết định cưỡng chế do doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, không có tiền trong tài khoản, không có tài sản, doanh nghiệp giải thể, không có tài sản, cá nhân bị cưỡng chế không có tiền để nộp, không có tài sản để thi hành quyết định cưỡng chế...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm