Thường trực Ban Bí thư: Nếu không gỡ được thẻ vàng, ngành thủy sản Việt Nam sẽ rất khó khăn

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã thông qua chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về chống khai thác IUU, quyết tâm gỡ thẻ vàng trong năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-4, Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Chính phủ quyết tâm gỡ thẻ vàng trong năm 2024

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã thông qua chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Tinh thần của chương trình hành động xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024.

Về nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn, Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU.

Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật.... Theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển…

Chính phủ ban hành chương trình hành động về chống khai thác IUU-da-nang-chong-khai-thac-iuu-vi-quyen-loi-cua-ngu-dan.jpg
Chính phủ quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng trong năm 2024. Ảnh: PLO

Chính phủ cũng yêu cầu điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước.

Kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước.

Về lâu dài, Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân. Cạnh đó, đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; cải thiện sinh kế, nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo.

Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thuỷ sản; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững...

Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước, giải quyết các tranh chấp trên biển...

Trung ương và địa phương cần quyết tâm đủ mạnh

Tham dự hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhìn nhận thời gian qua, các địa phương đã hành động ngày càng mạnh mẽ hơn, sát sườn, thiết thực hơn trong việc gỡ thẻ vàng IUU.

Bà nhấn mạnh khi có nhận thức đủ thì mới có hành động đủ, quyết tâm đủ để có thể thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là quyết tâm gỡ bỏ thẻ vàng trong năm 2024.

Chính phủ quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng trong năm 2024.-ban-bi-thu-ra-chi-thi-nham-som-go-the-vang-iuu.jpg
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhìn nhận, thời gian qua, các địa phương đã hành động ngày càng mạnh mẽ hơn, sát sườn, thiết thực hơn trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Dù có những chuyển biến tích cực nhưng bà Trương Thị Mai lưu ý phải nhìn nhận thực chất nếu không gỡ bỏ được thẻ vàng thì khó khăn sẽ nhiều hơn. Và về lâu dài việc này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển thuỷ sản, sự phát triển của đất nước mà còn là cuộc sống của hàng triệu ngư dân, người lao động có liên quan.

"Nếu nỗ lực, quyết tâm của Trung ương đến địa phương không đủ mạnh, không đồng bộ thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung. Vì vậy, để vượt qua được thách thức thì pháp luật phải được thực thi nghiêm túc" - bà Trương Thị Mai nói.

Theo bà, các cơ quan tổ chức, các địa phương có biển, các đội tàu cá, hợp tác xã, ngư dân, người lao động có liên quan trực tiếp phải cùng nhau cố gắng để tháo gỡ thẻ vàng IUU.

"Dù còn nhiều thách thức nhưng nếu chúng ta hành động đầy đủ, thực thi quyết liệt thì sẽ đạt được kết quả... Lâu dài hơn, cần phải quan tâm cấu trúc lại ngành thuỷ sản theo hướng minh bạch, bền vững, quan tâm tạo sinh kế phù hợp, nâng cao cuộc sống của ngư dân, người lao động có liên quan" - bà Trương Thị Mai chia sẻ.

Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng quá trình thực hiện cần chú trọng tạo sự đồng thuận, quan tâm hỗ trợ, động viên cho người dân, người lao động có liên quan; quan trọng nhất là phải bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của ngư dân. "Có như vậy thì ngư dân mới tin tưởng để cùng đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả" - bà nói.

Bà Trương Thị Mai cũng bày tỏ mong muốn các địa phương sẽ đưa Chỉ thị 32 của Ban Bí thư và chương trình hành động của Chính phủ đi vào cuộc sống một cách thiết thực, tiến tới gỡ bỏ thẻ vàng trong năm nay, đưa ngành thuỷ sản phát triển nhanh, bền vững và ngư dân sẽ có cuộc sống ổn định hơn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và cho biết cơ quan này đang chuẩn bị kĩ lưỡng cho đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu, dự kiến sẽ tiến hành vào cuối tháng 5 tới đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm