Đó là thông tin từ PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc Gia TP.HCM tại Hội thảo Vị trí, vai trò của đại học khởi nghiệp trong phát triển đô thị sáng tạo, thông minh diễn ra tại Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 9-1.
Theo ông Đạt, chủ trương xây dựng Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP thành một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã có từ năm 2014. Nơi đây sẽ phát hiện và bồi dưỡng các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng.
Các đại biểu tham quan triển lãm các mô hình khởi nghiệp tại hội thảo.
Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đã và đang trực tiếp hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp, khoảng 1/3 số dự án này đã được gọi vốn đầu tư ươm mầm. Các dự án đã trực tiếp tạo ra hơn 300 việc làm và là môi trường thực tập cho hàng trăm sinh viên mỗi năm.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, thời gian tới ĐH Quốc gia TP sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm tại Khu đô thị ĐH Quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các mô hình hợp tác, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại khu vực Đông TP.HCM. Đến năm 2020, Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động ở phía đông TP, là nơi tập trung của khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp với 2.000 việc làm. Đồng thời là nơi thực tập, học tập của 2.000 sinh viên mỗi năm.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá cao mô hình này vì đã được thực hiện thành công ở nhiều quốc gia. Mô hình không chỉ tạo ra môi trường học, thực hành sáng tạo cho sinh viên, mà còn tạo ra nguồn thu và giúp quá trình chuyển giao công nghệ thuận lợi.
Tuy nhiên, để thực hiện được đòi hỏi rất nhiều yếu tố như chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cùng tham gia. Cạnh đó còn có yếu tố đầu tư về đội ngũ đào tạo, các trường đổi mới giảng dạy, giúp sinh viên sáng tạo và phát triển các kỹ năng cần thiết...
"Đại học khởi nghiệp” là đưa khởi nghiệp vào trường ĐH. Đây là đề án của Bộ GD&ĐT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện đến năm 2025. Đề án này nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các em hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp. Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2020, 100% các học viện, trường ĐH, CĐ và trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. 100% các trường ĐH, 50% các trường CĐ, trường trung cấp có ít nhất hai ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm. |