Cách đây vài ngày, ông NVT (47 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) di chuyển khó khăn khi đến BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM. Ông liên tục nhăn nhó vì đau mỗi lần bước đi.
"Cách đây ba tháng tôi bị vấp té. Lát sau bàn chân phải sưng vù, đau nhức nên tôi đã dùng dầu gió để xức. Cứ thế, mỗi lần chân đau và sưng là tôi lại xức dầu gió. Nhưng hơn chục ngày nay tôi cảm thấy đi đứng không vững và luôn bị cơn đau hành hạ. Lòng bàn chân phải không thể chạm đất mà nghiêng về phía ngoài nên tôi đi khám" - ông T. cho hay.
Sau khi khám cho ông T., BS Hoàng Khắc Xuân (khoa Chi dưới) cho biết ông T. bị bong gân sau khi vấp té. Nhưng vì ông xức dầu gió liên tục nên đã làm teo bàn chân, giảm sự chịu lực dẫn đến hiện tượng lật bàn chân nên đi đứng xiên xẹo. "Trường hợp này có thể phẫu thuật nhưng bàn chân sau phẫu thuật không thể giống như ban đầu” - BS Xuân nói.
Các bác sĩ BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM đang phẫu thuật một trường hợp lật bàn chân. Ảnh: TRẦN NGỌC
Trường hợp tương tự là bà VTTM (46 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM). Bà M. đến BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM trong tình trạng toàn bộ bàn chân trái tiếp xúc đất và luôn luôn đau.
“Tôi bị hụt chân trái cách đây hơn hai tháng. Mỗi lần chân sưng và đau là tôi xức dầu gió. Gần nửa tháng nay, chân tôi ngày càng đau, đi đứng khó khăn. Trước đây, bàn chân tôi không tiếp xúc hết với đất. Nay thì toàn bộ bàn chân nằm trọn trên mặt đất nên đi lại rất đau, hay té ngã” - bà M. kể.
BS Xuân giải thích do bà M. thường xuyên xức dầu gió nên gân bàn chân bị giãn, bàn chân bị bẹt. Thường những bệnh nhân như thế này đi lại rất khó khăn, dễ ngã. Điều trị buộc phải phẫu thuật nhưng kết quả chỉ dừng ở mức độ nhất định. "Khi không may bị bong gân, nên chườm nước đá, kê cao chân và hạn chế đi lại trong thời gian dài. Nên gặp bác sĩ để được khám và điều trị sớm" - BS Xuân khuyến cáo.
BS Đoàn Thị Huyền Trân, Trưởng khoa Cơ xương khớp BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết BV này cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị lật bàn chân và bàn chân bị bẹt do dùng dầu gió trị bong gân. “Không ít trường hợp xương mắt cá bị gãy sau khi vấp té hoặc hụt chân nhưng bệnh nhân không đến BV mà tự đắp thuốc Nam. Điều này dễ gây nhiễm trùng khiến vết thương lở loét, điều trị khó khăn hơn” - BS Trân cho biết thêm.